Thay đổi tư duy khi hội nhập

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Hội nhập và tự do hóa thương mại diễn ra ngày càng sâu, cùng nhiều DNbiết tận dụng cơ hội từ tiến trình này vẫn có những DNđang loay hoay gặp khó. Để tồn tại và phát triển, các DNViệt Nam cần có sự chuyển biến về tư duy, chủ động thích ứng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và đặc biệt cần nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm theo thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.

Cạnh tranh trong nước sẽ diễn ra gay gắt hơn cả về giá và chât lượng do nguồn hàng NK được gỡ bỏ thuế suất.
Cạnh tranh trong nước sẽ diễn ra gay gắt hơn cả về giá và chât lượng do nguồn hàng NK được gỡ bỏ thuế suất.

Tại Diễn đàn Xúc tiến XK năm 2016 diễn ra ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Việt Nam được đánh giá là quốc gia tham gia thành công vào quá trình tự do hóa thương mại. Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (2007) đến nay, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đã tăng 2,94 lần, từ mức 111,3 tỷ đô năm 2007 lên mức 327,8 tỷ đô năm 2015. Trong đó, NK tăng 2,6 lần và XK tăng 3,3 lần, tương ứng với kim ngạch 165,7 và 162,4 tỷ USD vào năm 2015. Điều này chứng tỏ DN Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập và tự do hóa thương mại.

Cạnh tranh gay gắt hơn

Việc tham gia vào các FTA có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nhưng tác động của hội nhập cũng sẽ khác nhau ở các ngành khác nhau.

Ví dụ đối với ngành có lợi thế so sánh hàng nội thất, túi xách, da giày, may mặc, một số mặt hàng nông nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn; bên cạnh đó, những ngành kém lợi thế sẽ chịu thua thiệt ở nhiều mức độ khác nhau.

Điểm mặt những tồn tại, yếu kém mà các ngành sản xuất Việt Nam cần phải cải thiện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định rằng các DN quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế, sức cạnh tranh kém so với các đối thủ quốc tế, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm XK.

Ngoài một số DN tiên phong, vẫn còn các DN chưa thực sự chủ động nắm bắt, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thế giới, chưa đủ tự tin trong việc đầu tư cho hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu, khai thác thị trường. Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ về kinh phí của Nhà nước nhưng nhiều DN vẫn do dự, thiếu tự tin để tham gia khai thác cơ hội mở rộng thị trường.

Thứ trưởng Hải cảnh báo cạnh tranh trong nước sẽ diễn ra gay gắt hơn cả về giá cả và chất lượng do nguồn hàng NK được gỡ bỏ mức thuế suất, hiện nay một số mức thuế suất giảm trung bình trên 10%. Phải đáp ứng các yêu cầu khắc nghiệt về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu để đảm bảo điều kiện thụ hưởng thuế suất ưu đãi… Đây chính là rào cản mà DN XK phải vượt qua.

Hiến kế cho việc nâng cao năng lực các DN tạo sản phẩm cạnh tranh trong hội nhập , ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội cho rằng các DN cần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực tốt.

Chuyển biến tư duy để thích ứng

Ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm: Kể từ năm 2012, ngành cao su liên tục gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm, nguồn cung tăng, lượng cao su thiên nhiên tồn kho ở mức cao, gây áp lực đẩy giá cao su thiên nhiên giảm liên tục trong giai đoạn 2012 – 2015.

Ông An cho biết để vượt khó, ngành cao su đã thực hiện xúc tiến thương mại thông qua hai đề án: “Mua thông tin thương mại ngành cao su” và “Tổ chức Hội nghị quốc tế về ngành hàng cao su xuất khẩu”. Trong giai đoạn 2011 – 2015, đề án đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần cung cấp thông tin thị trường và tạo điều kiện để đẩy mạnh XK, từ đó giúp DN mở rộng thị trường, giữ vững thương hiệu; từ đó tăng dần lượng và kim ngạch XK. Trong ba năm liên tục từ năm 2013 đến 2015, Việt Nam giữ vững vị trí thứ hai về năng suất, thứ ba về sản lượng (chiếm khoảng 8% sản lượng thế giới) và thứ tư về xuất khẩu (với thị phần khoảng 11%).

Tuy nhiên, vẫn có những DN còn gặp khó trong hội nhập. Bà Hoàng Thị Dung, Trưởng phòng XK công ty CP Động Lực, cho rằng cần xem xét tính hiệu quả của các hiệp định thương mại, chẳng hạn, theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, nhiều mặt hàng trong đó có nguyên liệu, sản phẩm về thể thao của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ được hưởng ưu đãi, không bị đánh thuế và ngược lại. Tuy nhiên, hiện DN này đang nhập đế giầy từ Trung Quốc vẫn bị đánh thuế nhập khẩu, ngược lại một số thành phẩm giầy từ Trung Quốc xuất sang Việt Nam lại không phải chịu thuế.

“Thị trường thế giới rất rộng lớn, có đủ chỗ cho mọi DN có tầm nhìn, quyết tâm hội nhập, có đủ ý chí, bản lĩnh để thay đổi mình nhằm phù hợp với môi trường mới, luật chơi mới. Để tồn tại và phát triển, các DN Việt Nam cần có sự chuyển biến về tư duy, chủ động thích ứng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và đặc biệt cần tập trung nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm theo thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường XK” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.