Thế nào là “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp?

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN), nghe thì đã quen, nhưng hiểu và thực hiện thế nào cho đầy đủ vẫn luôn là câu chuyện thời sự, của chính các doanh nhân.

Thế nào là “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Từng tham dự một cuộc họp hội đồng chung tuyển của một giải thưởng lớn dành cho DN, người viết đã chứng kiến các thành viên hội đồng phải dừng lại rất lâu để tranh luận về nội dung xem xét trao hạng mục giải “trách nhiệm xã hội”.

Ban tổ chức muốn có giải này trong khuôn khổ giải thưởng của mình. Nhiều thành viên hội đồng thì yêu cầu phải có tiêu chí toàn diện về trách nhiệm xã hội, đồng thời phải có báo cáo cụ thể của DN về nội dung đó để xem xét. Nếu có đủ tiêu chí, đủ thông tin thì xét trao giải “trách nhiệm xã hội”, còn nếu chỉ có số liệu về các đóng góp từ thiện thì chỉ trao giải “công tác từ thiện” hoặc “công tác xã hội” của DN mà thôi cho đúng thực chất.

Cuộc tranh luận đã cho thấy một điều là, tuy mới mẻ, nhưng trách nhiệm xã hội của DN Việt Nam ngày càng được quan tâm, khi mà khả năng cạnh tranh của DN không chỉ còn đóng khung trong giá cả và chất lượng sản phẩm, mà còn gắn liền với trách nhiệm đối với con người và cộng đồng xã hội. 

Mặt khác, nó cũng cho thấy việc thực hiện cũng như đánh giá trách nhiệm xã hội của DN không phải là câu chuyện đơn giản, dễ dàng.

Đầu tiên và dễ thấy nhất khi nói về trách nhiệm xã hội của DN, chính là các hoạt động từ thiện.

Không khó để đánh giá hoạt động này thông qua việc thống kê số lần, số tiền, số các trợ giúp khác cũng như ý nghĩa công việc mà DN đã làm. Hoạt động từ thiện, về mặt tổ chức thực hiện, cũng tương đối dễ dàng.

Nhưng trách nhiệm xã hội của DN còn thể hiện ở ứng xử với người lao động - vừa là một yếu tố cấu thành của DN, đồng thời chính là đối tượng xã hội chịu tác động từ các chính sách của DN. Tiêu chuẩn sử dụng lao động, quyền lợi người lao động, môi trường làm việc... phải là mối quan tâm hàng đầu của người điều hành DN, nhằm tăng năng suất lao động, tạo sự gắn kết của các thành viên trong công ty.

Trong xã hội có bao nhiêu người tiêu thụ sản phẩm do DN làm ra thì có bấy nhiêu người nằm trong vùng phủ sóng trách nhiệm xã hội của DN đối với người tiêu dùng. Về mặt quy mô, có lẽ đây là trách nhiệm lớn nhất, vì liên quan đến hầu như toàn thể cộng đồng.

Trách nhiệm xã hội của DN đối với người tiêu dùng bao gồm các cam kết về chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, tính trung thực trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sự bảo đảm an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Truyền thông đã từng sôi động về việc sữa nhiễm melamine do DN cố tình qua mặt cơ quan kiểm nghiệm, lừa dối người tiêu dùng, gây ra những tổn hại to lớn cho sức khỏe cộng đồng. Không thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đối với người tiêu dùng, tổn thất lớn nhất mà DN gánh chịu không phải là sự trừng phạt của luật pháp, mà là sự quay lưng của “thượng đế”.

Bảo vệ môi trường tự nhiên là một trách nhiệm bắt buộc đối với các DN mà do tính chất hoạt động của mình, có khả năng gây ô nhiễm. Để ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ này, phải tính toán ngay ở khâu đánh giá tác động môi trường từ lúc hình thành dự án, đồng thời phải nghiêm túc và trung thực thực hiện suốt trong quá trình vận hành nhà máy. 

Thực tế cho thấy, để giảm chi phí cho sản phẩm, nhiều DN đã không ngần ngại sử dụng nhiều chiêu thức xả bẩn ra môi trường, qua mặt các cơ quan chức năng. Hậu quả là, hình ảnh thương hiệu bao năm dày công xây dựng bị sứt mẻ nghiêm trọng dưới con mắt của công chúng, khi vụ việc được phát giác.

Bảo vệ môi trường tự nhiên đã khó, bảo vệ môi trường xã hội lại càng khó hơn. Có bao nhiêu DN đã gây ô nhiễm cho môi trường xã hội bằng cách tiếp tay cho tham nhũng? Từ việc dễ tặc lưỡi cho qua như những khoản lót tay nho nhỏ, đến những cú lại quả tiền tỷ. Từ chi phí bôi trơn “cho được việc” đến những liên kết ma quái quyền - tiền. 

Hấp lực từ ý muốn gây ô nhiễm nhiều lúc là rất mạnh vì nó mang lại doanh số và lợi nhuận không nhỏ, tuy vậy, có khi đây lại là việc chẳng đặng đừng, nhiều DN đã cắn răng làm những việc mà mình không muốn... Dù sao đi nữa, tự nguyện hay bị bắt buộc, những việc xả thải ấy đến lượt nó lại góp phần hình thành cái không khí ô nhiễm mà chính DN phải gánh chịu.

Thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa là đóng góp của DN cho xã hội, vừa là một lợi ích tự thân, củng cố khả năng cạnh tranh của DN trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nơi mà các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh đã trở thành một hàm lượng bắt buộc trong từng sản phẩm.