Thị trường bảo hiểm năm 2013: Vượt khó để tăng tốc!

Phùng Tuấn

(Tài chính) Năm 2012 đi qua với nhiều khó khăn, thách thức hơn cả dự kiến, khiến ngành bảo hiểm không về đích đúng kế hoạch ban đầu với mục tiêu tăng trưởng 17%. Tuy nhiên, nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhằm khắc phục khó khăn là điểm đáng ghi nhận trong chặng đường gian nan đó, bởi so với các ngành nghề khác trong nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm năm 2012 vẫn thuộc top đầu.

Việc Sumitomo Life trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Bảo Việt cho thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn rất hấp dẫn
Việc Sumitomo Life trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Bảo Việt cho thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn rất hấp dẫn

Nhìn lại năm cũ…

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam chia sẻ, năm 2012 ngoài việc gặp khó khăn của “bẫy thu nhập trung bình” của một nước mới thoát nghèo, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Năm 2012, với GDP ước đạt 5,3%, tăng trưởng tín dụng khoảng 7% - 8%, đầu tư công trên 30% GDP, nhu cầu bảo hiểm của DN và người dân bị ảnh hưởng nhiều, khiến các chỉ tiêu đề ra của thị trường thấp hơn dự kiến. Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 40.858 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2011, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 22.942 tỷ đồng, tăng 11,5% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 17.916 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011. Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm ước khoảng 15.856 tỷ đồng, trong đó các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 6.679 tỷ đồng, DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 9.177 tỷ đồng. Năm 2012, tổng số tiền DN bảo hiểm tích lũy đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 90.591 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2011. Trong đó, các DN nhân thọ ước đạt 66.361 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2011, DN phi nhân thọ ước đạt 24.230 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Đến thời điểm hiện nay, nhiều DN bảo hiểm cũng đã thông báo về việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra. Đáng chú ý là Bảo Việt Nhân thọ với doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 5.005 tỷ đồng (tăng trưởng 11,5% so với năm 2011), trong đó doanh thu khai thác mới đạt trên 1.290 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 688 tỉ đồng, tăng trưởng gần 13,5% so với năm 2011…

Nhìn lại cả năm 2012, tuy tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm không đạt như dự kiến, song vẫn có những điểm sáng ghi nhận. Theo đó, thị trường tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và an toàn, đảm bảo khả năng tài chính, chất lượng dịch vụ được cải thiện. Các DN đã nỗ lực khắc phục tình trạng nợ đọng phí, trong khi vẫn phải đối diện với bài toán phát triển đi lên, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động đầu tư. Quy trình bồi thường tiếp tục được cải thiện, công tác bồi thường giữa DN với người mua bảo hiểm được thuận tiện, nhanh chóng hơn đặc biệt là tại các DN lớn như Bảo Việt Nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt, PVI... Bên cạnh đó, các DN liên tiếp tung sản phẩm mới và chú trọng phát triển kênh phân phối đáp ứng được nhu cầu của người tham gia bảo hiểm, đồng thời tiếp cận nhiều nguồn khách hàng tiềm năng.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, 2012 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020 với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách, tái cấu trúc DN, tăng cường quản lý, giám sát nhà nước về bảo hiểm... Theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính, các DN bảo hiểm phải tiến hành tái cơ cấu, đảm bảo biên khả năng thanh toán, danh mục đầu tư an toàn, hiệu quả; xử lý nợ khó đòi và tái cơ cấu vốn chủ sở hữu, giảm dần vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các DN bảo hiểm; lựa chọn đối tác chiến lược tham gia góp vốn. Hoạt động tái cấu trúc các DN bảo hiểm được thực hiện thường xuyên, được quản lý và giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh đó cùng với những ảm đạm trên thị trường xây dựng, bất động sản; đầu tư công, đầu tư toàn xã hội, vốn FDI, vốn ODA giảm sút thì tăng trưởng của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đã cho thấy sự cố gắng lớn của các DN, đặc biệt là sự chủ động chuyển hướng sản phẩm sang bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm sức khỏe và y tế, bảo hiểm nông nghiệp… Trong khi đó, khối bảo hiểm nhân thọ cũng cho thấy nỗ lực không kém trong bối cảnh các kênh đầu tư suy giảm, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều ngành nghề giảm sút, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, trong khi giá cả dịch vụ hàng hóa tăng cao. Các DN này vẫn thuyết phục được người tham gia bảo hiểm duy trì hợp đồng, thu hút những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới nhiều hơn số hợp đồng đáo hạn.

Một số thống kê trên thị trường bảo hiểm năm 2012

Nội dung

Ước đạt (tỷ đồng)

Tăng so với năm 2011 (%)

Tổng doanh thu phí toàn thị trường

40.858

11,7

Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ

22.942

11,5

Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ

17.916

12

Đầu tư trở lại nền kinh tế

90.591

9

Doanh nghiệp nhân thọ

66.361

10,4

Doanh nghiệp phi nhân thọ

24.230

5,6

… Để hướng đến năm mới

Việc Quốc hội thông qua chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với mức tăng trưởng GDP chỉ khoảng 5,5% cho thấy nền kinh tế trong nước vẫn chưa thể khởi sắc. Bên cạnh đó, khó khăn của nền kinh tế sẽ khiến DN, người dân phải thắt chặt hầu bao, việc tham gia bảo hiểm sẽ được cân nhắc trên cơ sở giá phí cạnh tranh và đặc biệt là chất lượng dịch vụ đảm bảo. Bên cạnh đó, năm 2012, thị trường bảo hiểm đang chứng kiến sự cạnh tranh, bám đuổi rất quyết liệt của các DN trong nước với nhau, và giữa trong nước và nước ngoài và điều này được dự báo sẽ khốc liệt hơn trong khi nhiều mảng bảo hiểm chủ lực vẫn chưa thể phục hồi. Vì thế, xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2013, nhiều DN không còn đặt ra mục tiêu “năm sau cao hơn năm trước”, mà xây dựng sát với thực tế để hoàn thành kế hoạch.

Dự báo thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2013 sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng khoảng 10 - 12 % so với năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng tương đối thấp so với tiềm năng của thị trường bởi nhận định chung của các chuyên gia bảo hiểm nước ngoài cho thấy, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn rất còn hấp dẫn. Bởi, việc Chính phủ quyết tâm tái cấu trúc thị trường sẽ tạo nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài; Tăng trưởng kinh tế vẫn có khả năng sẽ tăng cao, khiến thu nhập người dân tăng cao, trong khi Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”. Rõ hơn, sự kiện Tập đoàn Bảo Việt tìm kiếm được đối tác chiến lược mới cho thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn đang rất hấp dẫn, xóa đi mối lo về sự rút lui của nhà đầu tư ngoại.

Năm 2013, để đảm bảo thị trường tiếp tục duy trì sự ổn định, đạt mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh nỗ lực của DN bảo hiểm, cơ quan quản lý sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp cơ bản như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường quản lý, giám sát nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện một số chương trình thí điểm bảo hiểm như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu... Hi vọng, với sự chủ động và quyết tâm của cộng đồng DN lẫn cơ quan quản lý, thị trường bảo hiểm năm 2013 tiếp tục đạt mức tăng trưởng ổn định, đóng góp nhiều hơn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Thời gian tới cần sớm khắc phục những tồn tại như: Số lượng sản phẩm bảo hiểm tuy nhiều song chưa đa dạng, nhiều mảng thị trường còn bỏ ngỏ hoặc chưa được quan tâm đúng mức như bảo hiểm chăm sóc y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp... Về phía cơ quan quản lý, cần tăng cường năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời phải có cơ chế thu hút cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm gắn bó lâu dài với cơ quan quản lý.

Ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)