Thị trường M&A Việt Nam: Bước ngoặt trong kỷ nguyên mới

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

Năm 2018 đánh dấu 10 năm chặng đường M&A tại Việt Nam. Cho dù thị trường M&A năm nay khó phá vỡ kỷ lục 10,2 tỷ USD của năm 2017 nhưng Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, dự kiến tổ chức ngày 8.8 tới, vẫn lấy chủ đề “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”.

Thị trường M&A Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn. Nguồn: Internet
Thị trường M&A Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn. Nguồn: Internet
“Bước ngoặt mới được tính từ con số kỷ lục hơn 10 tỷ USD của năm ngoái, sau thương vụ Tập đoàn Thai Beverage (Thaibev) chi 4,8 tỷ USD mua lại Công ty CP Bia Sài Gòn (Sabeco), để khởi đầu cho một kỷ nguyên mới - một thập kỷ phát triển mới của thị trường M&A Việt Nam”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, đơn vị phối hợp với báo Đầu tư tổ chức Diễn đàn M&A  Việt Nam nói.

10 năm với gần 4 nghìn thương vụ

Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, có khoảng 3.959 thương vụ M&A được tạo lập tại nước ta, với tổng giá trị đạt 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008. Giá trị M&A đạt mốc kỷ lục vào năm 2017 với 10,2 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016.

Nguyên nhân của sự đột biến này là thương vụ ThaiBev – Sabeco. “Với giá trị 4,8 tỷ USD, thương vụ này chiếm gần 50% tổng giá trị M&A của năm 2017 và bằng 86,2% tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2016”, nhóm nghiên cứu cho hay.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà quan sát, thành công của thương vụ Sabeco tuy là một bước ngoặt lớn nhưng chỉ riêng thương vụ này thì chưa đem lại sự lạc quan cho toàn bộ thị trường.

Nếu loại trừ sự đột biến về giá trị của thương vụ ThaiBev - Sabeco thì quy mô thị trường vẫn ở mức trung bình khá, với những khó khăn và hạn chế vẫn đang tồn tại trong một vài năm qua. Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt 3,55 tỷ USD, còn cả năm dự báo đạt 6,5 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017.

Trả lời câu hỏi “thị trường M&A Việt Nam đang ở đâu trong khu vực Đông Nam á?”, Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A cho rằng, “vẫn ở mức trung bình”. 

Tổng giá trị M&A năm 2016 của thị trường Singapore đạt 62,3 tỷ USD, vượt xa so với mức 11 - 16 tỷ USD của các nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Thị trường Việt Nam có quy mô bằng 86,22% so với thị trường Phillippines, quốc gia có tổng giá trị M&A năm 2016 đạt 6,75 tỷ USD.

“Thương vụ kỷ lục nhất của thập kỷ” mang tên Sabeco hồi năm ngoái cũng chỉ đưa giá trị M&A của Việt Nam lên mức tương đương với các thị trường Malaysia 11,73 tỷ USD, Indonesia 10,76 tỷ USD… và cách xa so với giá trị 78,6 tỷ USD của Singapore.

Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 5 - 6 triệu USD (tương đương 100 - 120 tỷ VND), các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ. 

Chờ đợi những thương vụ lớn

Ông Seck Yee Chung, luật sư điều hành Baker & McKenzie tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động M&A của nhà đầu tư nước ngoài.

“Baker & McKenzie tin rằng, số lượng các thương vụ M&A từ nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới”, ông Seck Yee Chung nhận định.

Có chung niềm tin này, ông Nguyễn Công ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng đang có những “đợt sóng ngầm” và đang chuẩn bị cho những làn sóng M&A lớn hơn trong tương lai”.

Theo đó, nguồn cung trong tương lai sẽ đến từ làn sóng cổ phần hóa và đây cũng là chu kỳ thoái vốn của các nhà đầu tư trong nước sau khi mua được các doanh nghiệp rẻ trong thời điểm trước đây.

Những cảm nhận trên đây trùng khớp với dự đoán của nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam. “Chúng tôi dự báo giá trị M&A năm 2018 sẽ giảm so với năm 2017, do năm nay có thể chưa thực hiện được những thương vụ lớn như Sabeco. Tuy nhiên, có thể thị trường sẽ đạt mốc tăng trưởng so với 2017 - không có Sabeco. Với kịch bản này, giá trị M&A tại Việt Nam đạt 6 tỷ USD, tương đương tăng 15,3% so với 2017, bằng 58,8% so với giá trị M&A 2017 - có Sabeco”.

Như vậy, với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 4 năm 2015 - 2018. Tuy nhiên để thị trường đạt một tầm cao mới thì vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp. 

Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A được dự báo tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản.

Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy không phải không có những thách thức. Những nhà đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức tư vấn cũng liệt kê những hạn chế cho sự phát triển của hoạt động M&A tại Việt Nam, đó là: Chất lượng của doanh nghiệp còn yếu; tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp còn ở mức cao; Báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch… Vì vậy, để thúc đẩy thị trường M&A, cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và tháo dỡ các rào cản về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch, vấn đề thuế cho các giao dịch M&A.

Cùng với đó, cả doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể ra quyết định đầu tư.