Thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho DATC

Kim Lý

Các hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) có trùng lặp với hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là một vấn đề được quan tâm khi Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC đang được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đánh giá của các chuyên gia, để tạo môi trường pháp lý bình đẳng giữa các tổ chức có chức năng xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nền kinh tế, tạo điều kiện phát huy vai trò của DATC đối với hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý nợ xấu trong nền kinh tế thì cần thiết xây dựng môi trường pháp lý đặc thù, thuận lợi hơn cho DATC và tương đồng với VAMC.

Trên thực tế, đối tượng hướng tới của DATC và VAMC đều là các khoản nợ xấu và việc xử lý nợ xấu cần thiết phải giải quyết cả từ phía chủ nợ (tổ chức tín dụng) và khách nợ (doanh nghiệp đi vay) nên việc DATC là chủ thể xử lý nợ bị giảm hiệu quả hoạt động cũng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của mô hình xử lý nợ nền kinh tế mà Chính phủ mong muốn, trong đó có thể bao gồm cả hiệu quả của VAMC.

Quan điểm phát triển của Đảng, Nhà nước coi DATC và VAMC là 2 tổ chức cần thiết, song hành trong định hình mô hình xử lý nợ của nền kinh tế. Trong đó, VAMC xử lý nợ từ góc độ xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng - với tư cách là các chủ nợ, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng.

Còn DATC không chỉ tham gia xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà còn thực hiện các hoạt động xử lý tài chính, hỗ trợ tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân (với tư cách là khách nợ) sau khi mua nợ; tham gia xử lý nợ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Hoạt động mua bán nợ xấu của DATC không chỉ với mục đích xử lý nợ xấu của thị trường tín dụng mà còn hướng tới hỗ trợ khách nợ xử lý dứt điểm những khó khăn về tài chính, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp khách nợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo nghị định, một số cơ quan có ý kiến đề nghị rà soát nhiệm vụ hoạt động của DATC để tránh chồng chéo, trùng lắp với hoạt động của VAMC. Về phía mình, DATC cũng có ý kiến đề nghị làm rõ việc DATC có được mua nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) hay không.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, VAMC được thành lập với mục tiêu nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế (khoản 1 Điều 3 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP), khác với mục tiêu thành lập của DATC theo Quyết định số 109/QĐ-TTg là hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, chuyển đổi, tái cơ cấu DNNN.

Thời gian qua, 2 định chế này vẫn hoạt động song song với mục tiêu, nhiệm vụ khác nhau mặc dù nghiệp vụ, cách thức thực hiện có một số điểm giống nhau. Ví dụ: Cùng có nghiệp vụ mua nợ, VAMC mua nợ của các TCTD nhằm xử lý nợ xấu, DATC mua nợ của các TCTD và các tổ chức kinh tế khác nhằm tái cơ cấu doanh nghiêp).

Hơn nữa, dự thảo nghị định quy định DATC mua bán, xử lý nợ và tài sản không trùng lắp với mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động của VAMC cũng nhằm làm rõ mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động của DATC là không trùng lắp với VAMC. 

Thời gian qua các khoản nợ DATC mua của các TCTD chiếm trên 95% và đều gắn với các doanh nghiêp DATC tham gia mua bán, xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiêp. Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của DATC hiện nay không hạn chế việc DATC mua nợ từ chủ nợ nào.

Việc DATC mua nợ của các TCTD chỉ là một nghiệp vụ hoạt động trong quy trình xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiêp. Dự thảo nghị định cũng không quy định hạn chế DATC chỉ được mua nợ của các chủ nợ nào. 

Việc mở rộng, làm rõ lĩnh vực hoạt động của những mô hình công ty như DATC là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Sau 17 năm ra đời và hoạt động, các cơ chế, chính sách cho công ty cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh thị trường mới, định hướng chính sách mới của Chính phủ. Để làm tốt vai trò là công cụ của Chính phủ trong việc tham gia xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các doanh nghiệp, DATC cần có cơ sở pháp lý đủ mạnh, có cơ chế hoạt động đủ rộng.

Thực tế cho thấy, khi thị trường có nhu cầu, thì không nên chỉ bó gọn hoạt động của DATC trong đối tượng là DNNN, mà nên mở rộng ra cho các loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực khác nữa. Việc tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi cho hoạt động của DATC cũng là tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp khó khăn bởi nợ xấu, doanh nghiệp trên bờ vực phá sản có điều kiện được tái cơ cấu, từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh để tránh nguy cơ đổ vỡ gây nhiều hệ luỵ cho tất cả các bên của nền kinh tế.

Để tạo môi trường pháp lý bình đẳng giữa các tổ chức có chức năng xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nền kinh tế, tạo điều kiện phát huy vai trò của DATC đối với hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý nợ xấu trong nền kinh tế thì cần thiết xây dựng môi trường pháp lý đặc thù, thuận lợi hơn cho DATC.