Thiếu đơn hàng mới, áp lực hàng tồn kho gia tăng

Theo kinhtevadubao.com.vn

Điều đáng nói là mặc dù phải hạ giá thành để giảm hàng tồn kho, nhưng doanh nghiệp đang phải chịu áp lực lớn do giá đầu vào tăng nhanh.

Thiếu đơn hàng mới, áp lực hàng tồn kho gia tăng
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 7. Nguồn: internet

Theo ngân hàng HSBC, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 7 mặc dù với tốc độ chậm hơn khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm yếu hơn và việc làm không có thay đổi. Điều đáng nói là biên lợi nhuận vẫn chịu áp lực khi giá xuất xưởng tiếp tục giảm, nhưng giá đầu vào lại tăng nhanh hơn.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa - một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất – trong tháng 7 có kết quả 48,5 điểm. Tháng 7 này tuy đã có cải thiện hơn so với mức 46,4 điểm của tháng 6 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng không thay đổi 50 điểm, biểu thị lĩnh vực sản xuất giảm sút ba tháng liên tiếp.

Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tiếp tục giảm trong kỳ khảo sát mới nhất, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Các biến số chính này giảm nhẹ phản ánh các điều kiện thị trường yếu, với năng lực mua hàng của khách hàng yếu kém hơn.

Dữ liệu tháng 7 cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới thực giảm một phần chịu ảnh hưởng bởi mức giảm số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ hai liên tiếp và ở tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm. Riêng Trung Quốc được cho là nguồn gốc của tình trạng nhu cầu yếu trong kỳ khảo sát tháng 7.

Với số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, các thành viên nhóm khảo sát đã có thể tiếp tục giải quyết lượng công việc còn tồn đọng. Công việc tồn đọng trong tháng 7 giảm nhanh thứ nhì trong lịch sử khảo sát khi các công ty đã có thể nhân cơ hội nhu cầu đang yếu để giải quyết nốt các hợp đồng hiện có.

Chính vì việc bị giảm đơn hàng mới nên sản lượng dư thừa cũng được chuyển sang thành hàng tồn kho trong tháng 7, với lượng hàng tồn kho thành phẩm tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/2012. Hiện hàng tồn kho đã tăng trong hai tháng liên tiếp.

Điều này càng được minh chứng qua số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố. Theo đó, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Sáu năm nay là 71,4%, tỷ lệ tồn kho 6 tháng là 75,4%. Ngành có tỷ lệ tồn kho cao nhất là sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất 115,5%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 114,2%; sản xuất chế biến thực phẩm 92,4%...

Về khía cạnh việc làm, theo khảo sát của HSBC, các nhà sản xuất Việt Nam đã không thay đổi số lượng việc làm trong tháng 7 sau khi giảm trong hai tháng trước đó.

Điểm này cũng khá tương đồng với con số công bố của Tổng cục Thống kê. Cơ quan này công bố, Chỉ số sử dụng lao động tháng Sáu của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2012, chỉ số sử dụng lao động tháng Sáu tăng 4,1%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9%.

 Tuy nhiên, khảo sát của HSBC cũng chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp đã tăng số lượng nhân công để thúc đẩy sản xuất, trong khi những thành viên khác lại cắt giảm việc làm trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới bị giảm.

Giá cả đầu ra tiếp tục bị giảm trong tháng 7 - tháng thứ tư liên tiếp chứng kiến mức giá trung bình giảm. Giảm giá bán đã phản ánh tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường và những nỗ lực thúc đẩy bán hàng. Có một số bằng chứng cho thấy giá cả đầu ra đã phải giảm để giúp giải phóng hàng tồn kho tại các nhà máy.

Ngược lại giá cả đầu vào lại tiếp tục tăng. Tăng giá đầu vào đã được ghi nhận bảy tháng liên tiếp khi mà hạn chế nguồn cung hàng hóa đầu vào đã góp phần đẩy giá lên cao.

Đánh giá về tình hình sản xuất của Việt Nam thời gian qua, chuyên gia Trinh Nguyễn của HSBC cho rằng: "Hoạt động sản xuất ở Việt Nam tiếp tục suy giảm do các điều kiện yếu kém cả ở trong nước và nước ngoài. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới sụt giảm chủ yếu là do nhu cầu ở Trung Quốc yếu kém. Các điều kiện bên ngoài có thể sẽ được cải thiện trong quý IV khi nhu cầu ở Mỹ, Nhật Bản, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quốc có thể sẽ phục hồi. Trong khi viễn cảnh đó sẽ hỗ trợ phần nào thì đa số những yếu kém của Việt Nam là do những vấn đề nảy sinh ở trong nước và đòi hỏi cải cách phải được thực hiện nhanh hơn. Ngân hàng Nhà nước hiện vừa giảm lãi suất thị trường mở (OMO) thêm 50 điểm để làm dịu nhẹ tình hình thanh khoản. Tuy nhiên điều đó dường như chỉ là một giải pháp tạm thời khi mà vẫn cần thực hiện những cải cách căn bản để giải quyết những khó khăn về tín dụng ở Việt Nam."/.