Thiếu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phá sản

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản và giải thể, nhưng rất khó làm thủ tục phá sản một cách nhanh gọn và thuận lợi, dù Luật Phá sản đã được ban hành từ năm 1993 và được sửa đổi vào năm 2004. Theo chủ tịch hội đồng luật sư công ty luật Dazpro Phạm Văn Thiện, ban hành luật nhưng vẫn thiếu các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh hoặc phá sản.

Thiếu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phá sản
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao từ năm 2008 đến năm 2011, ngành tòa án đã nhận được 636 đơn yêu cầu được phá sản nhưng chỉ ra được quyết định tuyên bố phá sản 45 vụ. Theo ông, vì sao có thực trạng này?

- Luật Phá sản có từ năm 1993, và sửa đổi, bổ sung năm 2004. Cho đến nay, với số lượng doanh nghiệp được phá sản như thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, chứng tỏ việc thực thi pháp luật phá sản có vấn đề và có thể nói hầu như pháp luật không đi vào cuộc sống. Bên cạnh yếu tố tâm lý e ngại phá sản của các cơ quan nhà nước, của xã hội, thậm chí của các chủ nợ và doanh nghiệp thì ngay bản thân Luật Phá sản còn rất nhiều bất cập trong mối quan hệ với các văn bản pháp luật khác và với chính các điều trong Luật Phá sản.

- Đó là câu chuyện từ phía tòa án, còn từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước - việc triển khai thủ tục phá sản cho doanh nghiệp có quá cứng nhắc và rườm rà không? Theo ông, ở đây có câu chuyện các địa phương ngại việc có doanh nghiệp phá sản ở địa phương mình hay không, thưa ông?

- Nền kinh tế của chúng ta được chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp chưa được bao lâu, nên tâm lý “e ngại” là có và có thể hiểu được. Nếu có nhiều doanh nghiệp phá sản, xã hội sẽ cho rằng chính sách đầu tư, môi trường đầu tư, quản lý nhà nước của địa phương không được tốt hoặc có vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp. Và, với tư cách nhà quản lý trong xã hội nặng thành tích như hiện nay thì không ai mong muốn.

- Vậy tâm lý của doanh nghiệp đã sẵn sàng với việc làm thủ tục phá sản chưa? hay vẫn ngại hai tiếng “phá sản”, thưa ông?

- Trong nền kinh tế thị trường, pháp luật phá sản là công cụ bảo vệ hữu hiệu nhất đối với quyền lợi của chủ nợ cũng như của con nợ, giúp con nợ thoát khỏi thương trường một cách trật tự. Đặc biệt, pháp luật phá sản góp phần bảo vệ lợi ích của người lao động, đồng thời tránh tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội. Pháp luật phá sản góp phần làm lành mạnh hóa nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Do vai trò của phá sản như vậy, nên nếu thủ tục pháp lý không rườm rà, cơ quan giải quyết không cứng nhắc và tâm lý xã hội không nặng nề thì tôi tin chắc rằng doanh nghiệp sẽ không ngần ngại hai tiếng “phá sản” như hiện nay.

- Trên thực tế, theo quy định của Luật Phá sản thì khi doanh nghiệp phá sản, Giám đốc sẽ không được tham gia công tác quản lý ở doanh nghiệp khác hay thành lập doanh nghiệp mới. Phải chăng quy định này đang khiến doanh nghiệp thêm e ngại?

- Theo quy định tại Điều 94 Luật Phá sản 2004 thì Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp, Chủ nhiệm, các thành viên Ban quản trị hợp tác xã bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Quy định này làm hạn chế quyền tự do kinh doanh và là biện pháp chế tài đối với các nhà quản lý doanh nghiệp phá sản, khiến cho doanh nghiệp e ngại và thiếu mặn mà với thủ tục này, đặc biệt là trong trường hợp quy định Chủ doanh nghiệp, Giám đốc là người phải nộp đơn yêu cầu phá sản.

- Theo ông, những nhóm điều khoản nào sẽ cần phải sửa đổi khi sửa Luật Phá sản?

- Thứ nhất là mở rộng đối tượng nộp đơn yêu cầu phá sản: hộ gia đình, cá nhân… Thứ hai, cho phép chủ nợ có tài sản bảo đảm nộp đơn, bổ sung quyền nộp đơn cho một số chủ thể đặc biệt như ngân hàng, tổ chức tín dụng và cho phép doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được lựa chọn thủ tục giải quyết phá sản, đặc biệt là việc phục hồi khả năng sản xuất, kinh doanh. Tăng cường cơ chế giám sát của chủ nợ trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản. Xác định giá trị tài sản đã được kiểm kê theo hướng định giá độc lập. Đặc biệt là nên sửa đổi điều khoản về chủ doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản.

- Xin cám ơn ông!