Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và vấn đề giữ thương hiệu bằng “cổ phần vàng”

TS. Lê Minh Toàn

Dự kiến, quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 đa số đều là doanh nghiệp lớn, chiếm ưu thế trong một lĩnh vực sản xuất. Do vậy, khi Nhà nước thoái vốn cần có lộ trình phù hợp đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp và ổn định thị trường. Về phương án thoái vốn, các doanh nghiệp phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước. Tuy nhiên, lựa chọn giữa việc thoái vốn và giữ được thương hiệu Việt đang đặt ra những vấn đề cả lý luận và thực tiễn khi triển khai thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

Báo cáo tại Hội nghị về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011- 2015 và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016-2020 do Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN tổ chức mới đây cho thấy, tính đến hết tháng 10/2016, cả nước chỉ còn 718 DNNN, giảm mạnh so với 1.369 DNNN năm 2011.

Ngoài ra, nếu trước đây DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì nay chỉ còn tập trung 19 ngành, lĩnh vực, đa số có quy mô vừa và lớn. Giai đoạn 2011-2015, gần 500 DNNN đã cổ phần hóa, đạt trên 92% kế hoạch; thoái vốn nhà nước đầu tư tại DN thu về trên 21.000 tỷ đồng, đạt gần 1,4 lần giá trị đầu tư. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, tỷ lệ thoái vốn nhà nước rất thấp.

Ví dụ, tính bình quân Nhà nước còn nắm giữ 81% vốn điều lệ tại DN; Nhà đầu tư bên ngoài nắm 9,5%; nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 7,13%; người lao động và tổ chức công đoàn nắm 2,2%).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, quá trình cổ phần hóa tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, mở rộng tới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, vì thế đòi hỏi phải có cơ chế phù hợp nhằm xử lý dứt điểm tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN, tổ chức định giá sát với giá thị trường; bán cổ phần công khai, minh bạch; gắn cổ phần hóa (CPH) với thị trường chứng khoán và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia mua cổ phần...

Dự kiến, nếu thoái hết vốn tại 12 DN kế hoạch, Nhà nước có thể thu được tới 7,2 tỷ USD (khoảng 160.000 tỷ đồng). Đây sẽ là nguồn thu rất lớn phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay.

Quá trình thoái, bán vốn DNNN thời gian qua đặt ra những vướng mắc cần phải tháo gỡ xuất phát từ cả các nguyên nhân chủ quan và khách quan như:

Thứ nhất, những trở ngại từ thị trường (bối cảnh chứng khoán suy giảm; một số vướng mắc trong cơ chế; chất lượng nguồn hàng hạn chế), yếu tố vùng - miền, ngành và lĩnh vực có ảnh hưởng lớn tới tiến độ và kết quả của việc thoái vốn. Ngoài ra, khả năng tiếp cận thông tin để định giá cũng khiến các tổ chức tư vấn tốn kém cả về thời gian và công sức, thậm chí có thể ảnh hưởng tới yếu tố cơ hội trên thị trường hoặc có thể gặp phải rủi ro nếu trường hợp thông tin khó thẩm định và không đầy đủ.

Thứ hai, vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin: Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31/7/2016, có 322 DNNN chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP; 7/22 bộ ngành, 14/63 địa phương và 16/30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện công bố thông tin của DNNN theo yêu cầu.

Trong khi đó, theo quy định, các DN sẽ phải nộp báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển hàng năm; Kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất; kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội; sắp xếp đổi mới hàng năm...

Thứ ba, rủi ro trách nhiệm và hiệu quả của việc thoái vốn: Việc thoái vốn phải xác định thực tế hoạt động của DN như thế nào, vào thời điểm nào cho phù hợp và thoái vốn là để DN sau đó hoạt động tốt hơn. Điều quan trọng, việc bán cổ phần của các công ty này phải được chào bán công khai trên thị trường chứng khoán để đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) là bắt buộc đối với các DNNN sau khi CPH vì điều này sẽ giúp DN hoạt động công khai minh bạch và đổi mới quản trị DN theo thông lệ tiên tiến; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thoái vốn nhà nước tại DN...

Giữ thương hiệu bằng “cổ phần vàng”?

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ước tính giá trị vốn nhà nước bán đi tại DNNN một cách chính xác không đơn giản. Nếu tính theo số lượng cổ phần nhà nước tại DN rồi nhân với giá cổ phiếu hiện tại thì chỉ thấy một phần bức tranh. Giá thực sẽ là giá qua đấu giá thành công. Nếu đấu giá nghiêm túc, giá có thể cao hơn nhiều so với giá hiện tại, thậm chí với một số DN là gấp vài lần.

Do vậy, nếu cùng lúc bán ra nhiều cổ phiếu DN lớn có thể sẽ ảnh hưởng đến giá trị. Vì vậy, cần quan tâm đến phương án bán để tránh thất thoát vốn nhà nước và cũng thận trọng để tránh những DN lớn về tay nước ngoài.

Chính phủ cũng đã nêu rõ nguyên tắc, quan điểm trong quá trình bán vốn nhà nước tại các DN trong quá trình CPH DNNN, bán vốn nhà nước nói chung là phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn Nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.

Một trong các nội dung đang tranh luận liên quan đến thoái/bán vốn nhà nước là phải có biện pháp để giữ lại thương hiệu Việt thông qua các hàng rào kỹ thuật, trong đó Nhà nước có thể nắm giữ “cổ phần vàng” thay vì nắm lượng vốn lớn để có quyền phủ quyết. Người nắm “cổ phần vàng” có thể không cần cổ tức, nhưng muốn thay đổi thương hiệu phải được người năm giữ “cổ phần vàng” đồng ý.

Tuy nhiên, Luật DN 2015 không có thuật ngữ/khái niệm “cổ phần vàng”. Bản thân trong điều lệ các DNNN thoái vốn thời gian qua đều không có quy định về loại “cổ phần vàng”. Như vậy, “cổ phần vàng” nếu có thì nó đơn giản là tên của một loại cổ phần ưu đãi khác mà người nắm giữ có các quyền chuyên biệt so với các cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ tức, hoàn lại...

Như vậy, nếu nói “cổ phần vàng” là loại cổ phần nên có trong các DN mà Nhà nước dự định thoái/bán toàn bộ/một phần vốn cho các cổ đông bên ngoài thì nó phải thỏa mãn các điều kiện: (i) Phải được cổ đông thông qua và có trong điều lệ; (ii) Phải xác định rõ là loại cổ phần này khi nắm giữ thì cổ đông phải có quyền gì.

Ví dụ, mọi sự thay đổi về thương hiệu phải được “cổ phần vàng” này đồng ý hoặc muốn sửa điều lệ thì phải được “cổ phần vàng” đồng ý. Cho nên, điều lệ ban đầu rất quan trọng để giữ được một thương hiệu khi bán vốn nhà nước.

Đương nhiên, cần phải lưu ý rằng, nếu có quyền “đồng ý” này, thì người nắm giữ “cổ phần vàng” phải từ bỏ một số quyền mà những người chịu rủi ro hơn (cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại…) được hưởng, ví dụ: không cần cổ tức.

Một trong các nội dung đang tranh luận liên quan đến thoái/bán vốn nhà nước là phải có biện pháp để giữ lại thương hiệu Việt thông qua các hàng rào kỹ thuật, trong đó Nhà nước có thể nắm giữ “cổ phần vàng” thay vì nắm lượng vốn lớn để có quyền phủ quyết. 

Tuy nhiên, điều này không dễ dàng với những cổ đông bên ngoài mua cổ phần của các DNNN khi đứng trước áp lực hiện thực hóa lợi nhuận trước các lời chào mời từ đối tác bên ngoài và vấn đề gìn giữ “thương hiệu Việt”.

Hơn nữa, nhà đầu tư quan tâm mua cổ phần của các DN này chỉ đơn giản là họ nhìn thấy cơ hội kinh doanh, hoặc đơn giản là việc mua lại sẽ giúp công ty mẹ của họ ở nước ngoài dễ thâm nhập sâu vào thị trường đầy tiềm năng này, chiếm lĩnh thị phần trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu sau các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.

Như vậy, có thể thấy rằng, sau khi thoái/bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không nhất thiết phải tham gia vào, nếu muốn tiếp tục giữ “thương hiệu Việt” không chỉ đơn giản là phải có “cổ phần vàng” và hô khẩu hiệu giữ gìn “thương hiệu Việt” bằng được mà tất cả sẽ do cơ chế thị trường quyết định.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật DN 2015; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN 2014; Công văn số 1787/TTg-ĐMDN; Nghị định 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015;

2. Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN (2016) Báo cáo tại hội nghị về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011- 2015 và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016-2020;

3. Một số websites: mof.gov.vn; mpi.gov.vn; ssc.gov.vn, baodautu.vn, vneconomy.vn...