Thời của doanh nghiệp sáng tạo

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Đặc điểm của thị trường hiện đại là cạnh tranh mang tính toàn cầu và ngày càng khốc liệt, cạnh tranh về giá đã nhường bước cho cạnh tranh về chất lượng và tốc độ, khách hàng ngày càng trở nên khó tính hơn, đòi hỏi cao hơn và được chiều chuộng hơn thông qua cạnh tranh.

Thời của doanh nghiệp sáng tạo
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong điều kiện này, lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam – trong đó hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là gần gũi với khách hàng; nhanh chóng phản ứng nhanh với những nhu cầu của khách hàng; luôn có sự hỗ trợ của nhà nước do vai trò của các DNNVV trong nền kinh tế, và xã hội. Vì vậy, DNNVV cần biến những lợi thế này thành sức mạnh cạnh tranh của mình.

Có thể nói, trong cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, DNNVV với một nguồn lực hạn hẹp luôn lo sợ lợi thế kinh tế theo qui mô và sức mạnh tài chính của các doanh nghiệp lớn. Thực ra ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng luôn tránh cuộc cạnh tranh đối đầu về giá vì cạnh tranh về giá luôn là cuộc cạnh tranh tàn phá dẫn tới sự lừa dối khách hàng bằng việc ăn cắp “chất lượng”. Các DNNVV cần phát huy những lợi thế của mình, biết bảo vệ tài sản trí tuệ (những bí quyết, những ý tưởng…) của mình, không ngừng sáng tạo, đổi mới từ đó thoát khỏi cuộc cạnh tranh đối đầu về giá.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ tại 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và TP HCM, một con số khiến các chuyên gia kinh tế sửng sốt: chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam vô cùng thấp, chỉ vào khoảng 0,2-0,3% trên tổng doanh thu… Trong khi, tại Ấn Độ tỷ lệ này là 5%, Hàn Quốc là 10% và Nhật Bản gần 50%. Không quá ngạc nhiên khi tới giờ, sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản thường gắn liền với chất lượng cao, công nghệ tiên tiến.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, chính việc lơ là đổi mới sáng tạo, cộng với những tác động không nhỏ của khủng hoảng kinh tế thế giới đang đẩy nhiều DNNVV vào tình cảnh hoạt động không mấy sáng sủa. Lâu nay, tại các diễn đàn gặp gỡ doanh nghiệp, kiến nghị mà doanh nghiệp đưa ra với các Bộ, ngành bao giờ cũng là vấn đề ưu đãi tín dụng, ưu đãi đất đai, nhà xưởng… rất ít khi là những kiến nghị về hỗ trợ đổi mới công nghệ hay hỗ trợ sáng chế, sáng tạo. Kết quả là những con số đáng báo động: đa số doanh nghiệp Việt Nam còn đang sử dụng công nghệ của những năm 80 của thế kỷ trước, trong đó 52% doanh nghiệp đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình và 10% là thiết bị hiện đại. Nhiều ngành sản xuất hiện nay như dệt may, da giày, khai thác khoáng sản vẫn tự bằng lòng với cách phát triển dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị mang lại thì rất thấp. Công nghệ lạc hậu đã không cho phép những ngành này có thể tự chủ về nguồn nguyên liệu chất lượng cao, phải nhập khẩu nguyên liệu và xuất gia công rẻ mạt.

Để thực trạng này kéo dài nhiều năm nay, có một phần lỗi của doanh nghiệp, trong đó nhận thức của người lãnh đạo là quan trọng hàng đầu. Không ai có thể làm thay họ trong quyết định đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu thay vì đầu tư vào những lĩnh vực “ăn xổi”. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa từ môi trường chính sách. Nhiều đề tài, giải pháp hữu ích không tìm được người mua, trong khi doanh nghiệp nhiều khi cần thông tin thực sự về công nghệ trong nước thì không biết “gõ cửa” ở đâu.

Cạnh tranh khốc liệt trong giai đoạn hội nhập và ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế đang là thách thức với doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Giờ là lúc cần nhìn lại mình để đổi mới sáng tạo. Thay vì lo sợ một ngày nào đó doanh nghiệp gặp nguy hiểm thì hãy coi giai đoạn này là thời cơ để đổi mới, vượt lên chính mình.