Thông tin chi phí trong định giá bán sản phẩm của doanh nghiệp

ThS. Hoàng Khánh Vân - Đại học Lao động - Xã hội

Các quyết định về định giá bán sản phẩm thường phù hợp với chiến lược chung của doanh nghiệp, thể hiện tính linh hoạt trước thay đổi của thị trường. Thông thường, mức giá mà doanh nghiệp định ra phải hợp lý, tức nằm ở khoảng nào đó giữa hai mức giá hoặc không quá thấp để không đem lại lợi nhuận hoặc không quá cao để không thể bán. Bài viết trao đổi về phương pháp định giá dựa trên chi phí, đồng thời sử dụng thông tin chi phí trong quyết định giá bán của doanh nghiệp.

Giá cả dựa trên sự hiểu biết chi phí và định một mức giá là đủ lớn để tạo ra lợi nhuận và đủ nhỏ để thực hiện bán.. Nguồn: Internet.
Giá cả dựa trên sự hiểu biết chi phí và định một mức giá là đủ lớn để tạo ra lợi nhuận và đủ nhỏ để thực hiện bán.. Nguồn: Internet.

Phương pháp định giá dựa trên chi phí

Thông thường, doanh thu phải đủ bù đắp chi phí để tạo lợi nhuận, nên nhiều doanh nghiệp (DN) bắt đầu từ chi phí để định giá. Phương pháp này sử dụng các chi phí của sản phẩm để hình thành các cơ sở mà từ đó một mức giá có thể được thiết lập. Phần cộng thêm được tính toán không chỉ bao gồm các chi phí của sản phẩm, mà còn cung cấp một mức lợi nhuận cho DN. Giá bán sản phẩm được thể hiện qua công thức:

Giá bán = Chi phí cơ bản + Phần tiền công thêm

Phương pháp định giá theo chi phí biến đổi cộng thêm

Giá của sản phẩm được tính theo chi phí biến đổi. Có thể lựa chọn chi phí biển đổi gồm biến đổi sản xuất hoặc gồm cả biến đổi sản xuất và biến đổi bán hàng, quản lý DN. Định giá bán theo chi phí biến đổi giúp cho nhà quản trị đưa ra những mức giá, phạm vị linh hoạt hơn nhưng vẫn đảm bảo tính bí mật của thông tin cạnh tranh. Đây chính là tính mềm dẻo, linh hoạt của phương pháp xác lập giá theo chi phí biến đổi.

Thông tin chi phí trong định giá bán sản phẩm của doanh nghiệp - Ảnh 1

Chẳng hạn, từ bảng 1, nếu chi phí cơ bản là chi phí biến đổi thì để có mức giá yêu cầu 45$, phần tiền cộng thêm (100% tổng chi phí biến đổi) bù đắp toàn bộ chi phí cố định và tạo lợi nhuận. Khi chi phí cơ bản chỉ gồm chi phí sản xuất biến đổi thì để có mức giá yêu cầu 45$, phần tiền cộng thêm (125% tổng chi phí sản xuất biến đổi) bù đắp toàn bộ chi phí cố định, chi phí bán hàng – quản lý DN biến đổi và tạo lợi nhuận.

Phương pháp định giá theo chi phí đầy đủ cộng thêm

Theo cách tính đầy đủ, chi phí cơ bản được xác định là chi phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm hoặc toàn bộ chi phí. Nếu chi phí cơ bản chỉ gồm chi phí sản xuất thì chi phí bán hàng và quản lý không bao gồm trong chi phí cơ bản mà chúng được tính trong phần tiền cộng thêm. Như vậy, phần tiền cộng thêm phải đủ lớn để bao gồm được các chi phí này và tạo ra cho DN một phần lợi nhuận.

Định giá theo phương pháp toàn bộ cho thấy kết cấu thông tin của các thành phần giá phù hợp với thông tin trên hệ thống kế toán tài chính. Tuy nhiên, phương pháp này thiếu hẳn tính linh hoạt và mềm dẻo trong điều chỉnh giá. Trong thành phần của chi phí cơ bản và phần tiền cộng thêm đều bao gồm hỗn hợp cả chi phí biến đổi và chi phí cố định, nên khi mức độ sản xuất kinh doanh thay đổi thì khó xác định, dự báo chi phí cơ bản và phần tiền cộng thêm. Mặt khác, trong điều kiện cạnh tranh, muốn hạ thấp giá đến mức tối thiểu sẽ không xác định được mức giá tối thiểu.

Chẳng hạn từ bảng 2, chi phí cơ bản là chi phí sản xuất thì để có mức giá yêu cầu 45$, phần tiền cộng thêm (50% tổng chi phí sản xuất) bù đắp chi phí bán hàng – quản lý DN và tạo lợi nhuận. Khi chi phí cơ bản là toàn bộ chi phí thì để có mức giá yêu cầu 45$, phần tiền cộng thêm (36,3% tổng chi phí) để tạo lợi nhuận.

Thông tin chi phí trong định giá bán sản phẩm của doanh nghiệp - Ảnh 2

Như vậy, chi phí là cơ sở đầu tiên trong định giá. Nhà quản trị điều chỉnh giá bán sản phẩm phụ thuộc vào môi trường, vị thế cạnh tranh và cầu sản phẩm. Phần cộng thêm chỉ là hướng dẫn để tính toán, mà không có nguyên tắc tuyệt đối. Tỷ lệ cộng thêm khác nhau cho các sản phẩm khác nhau phụ thuộc vào môi trường, vị thế cạnh tranh và cầu sản phẩm.

Sử dụng thông tin chi phí trong quyết định giá bán của DN

Thông thường các DN có thị phần lớn có thể quyết định giá nào được định ra cho các sản phẩm của họ (Còn gọi là những người lập giá), còn DN nhỏ sẽ trở thành “DN chấp nhận giá” và phải chịu theo giá do các DN lớn định ra.

Sử dụng thông tin chi phí trong ngắn hạn

Thông tin chi phí của một DN chấp nhận giá được sử dụng rộng rãi để tìm ra kết hợp sản phẩm tối đa hóa lợi nhuận và xác định các sản phẩm làm ăn thua lỗ. Chi phí biến đổi là cơ sở quan trọng để ra quyết định về cơ cấu mặt hàng và sản lượng tiêu thụ trong điều kiện phải chấp nhận giá và điều kiện nguồn lực có hạn.

Trong khi đó, là các DN có sức mạnh thị trường, các DN thiết lập giá thường áp dụng phương pháp chi phí cộng thêm để định giá bán sản phẩm. Nếu cần áp dụng cho sản phẩm trong ngắn hạn, giá nên được thiết lập bằng cách sử dụng phương pháp có liên quan đến chi phí biến đổi, do đó chi phí cố định được giả định là không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi từ quyết định giá cả.

Trong ngắn hạn, khi DN có dư thừa công suất, dòng tiền tăng thêm từ việc chấp nhận thêm đơn hàng là chênh lệnh giữa doanh thu và chi phí biến đổi. Giá theo chi phí biến đổi được sử dụng trong trường hợp này. Khi DN không dư thừa công suất, giá tối thiểu có thể chấp nhận sẽ phải bù đắp được chi phí tăng thêm.

Sử dụng thông tin chi phí trong dài hạn

Nếu là DN chấp nhận giá, DN sẽ đưa ra quyết định về cơ cấu sản phẩm dài hạn. Các quyết định bổ sung sản phẩm mới, loại bỏ sản phẩm cũ sẽ làm thay đổi cấu trúc chi phí của DN, đặc biệt là chi phí duy trì sản phẩm như chi phí thiết kế và chế tạo sản phẩm, chi phí bán hàng...

Khi ra quyết định về cơ cấu sản phẩm trong dài hạn, nhà quản trị phải sử dụng thông tin chi phí đầy đủ. Việc so sánh chi phí sản phẩm với giá thị trường của chúng bộc lộ sản phẩm nào không có lãi trong dài hạn. Nếu sản phẩm có chi phí đầy đủ lớn hơn giá thị trường, nhà quản trị phải cần xem xét loại bỏ.

Các DN thiết lập giá sử dụng phương pháp giá cộng thêm với chi phí cơ bản là chi phí đầy đủ. Nhờ có khả năng định giá trên thị trường nên nhà quản trị thường điều chỉnh mức giá bán thông qua các chính sách chiết khấu để giải phóng hàng tồn kho, tối ưu hóa công suất máy móc thiết bị thay vì áp dụng một cách cứng nhắc một giá cố định dựa trên chi phí đầy đủ…

Hầu hết các DN đều dựa vào chi phí đầy đủ để xác định giá bán mục tiêu hay giá bán tiêu chuẩn trong dài hạn, từ đó có thể điều chỉnh tăng giá hoặc giảm giá tùy thuộc vào tình hình cầu. Việc định mức giá bán mục tiêu trong dài hạn còn chịu ảnh hưởng bởi chiến lược kinh doanh của DN. Một DN có thể chọn một khoản cộng thêm vào giá vốn thấp cho một sản phẩm mới để xâm nhập thị trường và giành thị phần từ một sản phẩm đã vững chắc. Trong dài hạn, tất cả các chi phí, bao gồm cả chi phí cố định đều là thông tin phù hợp trong các quyết định liên quan đến giá cả.

Kết luận

Giá cả dựa trên sự hiểu biết chi phí và định một mức giá là đủ lớn để tạo ra lợi nhuận và đủ nhỏ để thực hiện bán. Sử dụng chi phí để định giá là phương pháp nhanh, đơn giản và cần thiết. Chi phí là điểm khởi đầu của giá, và chi phí là mức thấp nhất mà giá không thể giảm đến trong dài hạn. Các thông tin chi phí là thông tin quan trọng, mặc dù không có nghĩa là các thông tin duy nhất mà nên được sử dụng khi quyết định giá cuối cùng. Vì vậy, nhà quản trị nên sử dụng các thông tin này, cùng với kiến thức của họ về thị trường và chiến lược giá, trước khi giá được thiết lập.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Ngọc Quang (2014), Kế toán quản trị, Nhà xuất bản Đại học kinh tế quốc dân;

2. Nguyễn Văn Dung (2009), Chiến lược và chiến thuật Thiết kế và Định giá sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh, Nhà xuất bản tài chính;

3. Hansen, Don R. and Maryanne M. Mowen (2006) Cost Management: Accounting and Control, International Student edition, Thomson, South Western.