Thúc đẩy đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp

N. Ánh

Sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua nhằm đổi mới, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa 93% doanh nghiệp nhà nước trong tổng số hơn 500 doanh nghiệp nhà nước. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 25/2/2016, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp; đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 66 doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp của 79 doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp của 31 doanh nghiệp; đã thoái vốn với giá trị sổ sách 141,9 tỷ đồng, thu về 460,6 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, tới đây sẽ quyết liệt tiến hành cổ phần hóa Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 3 và Mobiphone.

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, những kết quả trong thực hiện cổ phần hóa đã cho thấy những nỗ lực vượt bậc của cơ quan quản lý trong tiến trình thực hiện. Việc Chính phủ đã chỉ đạo SCIC thực hiện thoái vốn nhưng không có nghĩa thoái vốn bằng mọi giá mà ưu tiên thoái vốn các DN không phải giữ vị trí chủ lực trong nền kinh tế, hoặc liên quan tới dịch vụ công an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội là những quyết sách an toàn và đúng đắn.

Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, không nên bằng mọi cách phải cổ phần hóa bằng được, không nên bán rẻ DN mà cần quan tâm đến chất lượng cổ phần hóa. Việc thoái vốn cũng phải phụ thuộc vào thị trường, nôn nóng sẽ dễ dẫn đến tình trạng bán đổ bán tháo tài sản, quan trọng là cần có lộ trình cụ thể.

Bàn về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, thời gian qua, quá trình thoái vốn diễn ra còn chậm là do chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp lớn, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị. Vì vậy, để doanh nghiệp trong nước có thể đạt tiêu chuẩn này thì cần thêm thời gian để chuẩn bị. Tuy nhiên, ông Tiến cũng nhận định, dù thoái vốn chậm nhưng không thể làm nóng vội do có thể xảy ra tình trạng có trung gian đứng ra mua rồi bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tăng cường công tác của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển

Mới đây, để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng như định hướng đổi mới doanh nghiệp nói chung, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã ký Quyết định ban hành Chương trình công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo. Theo đó, năm 2016, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; ban hành tiêu chí, phân loại sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước rà soát, bổ sung danh sách doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quý II); hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp; hoàn thành việc rà soát đất đai, đo đạc, cắm mốc, xây dựng phương án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp; sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập

Trong năm 2016, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng đôn đốc các bộ ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định thay thế Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoặc ban hành theo thẩm quyền; quy chế quản lý tài chính của một số tập đoàn kinh tế.

Bên cạnh đó, tập trung theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO); kết quả thoái vốn nhà nước; tình hình xử lý vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là việc cổ phần hóa doanh nghiệp quy mô lớn, cổ phần hóa và chuyển các công ty nông, lâm nghiệp thành công ty TNHH hai thành viên.