Chìa khóa thị trường tài chính 2015:

Thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong khi nhu cầu ngày càng đa dạng, thị trường cạnh tranh cao, nhất là giai đoạn hội nhập ngày một sâu rộng, đang tạo ra nhiều áp lực cho khối ngân hàng bán lẻ. Việc ứng dụng các giải pháp kinh doanh sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng cường phát triển ngân hàng bán lẻ điện tử, ngân hàng trên di động được kỳ vọng là chìa khóa tăng trưởng cho thị trường tài chính năm 2015.

 Lợi nhuận từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ cá nhân thường không lớn và rủi ro không nhỏ. Nguồn: internet
Lợi nhuận từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ cá nhân thường không lớn và rủi ro không nhỏ. Nguồn: internet

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, đến nay, có 44% dân số Việåt Nam sử dụng internet, cao hơn mức bình quân chung của thế giới, châu Á và khối các nước có thu nhập trung bình thấp và tiếp tục gia tăng hàng năm.

Báo cáo khảo sát toàn cầu về ngân hàng bán lẻ năm 2014 của Công ty Kiểm toán Ernst & Young cho thấy, thị trường tài chính tiêu dùng (bán lẻ) trong nước ẩn chứa nhiều tiềm năng, nhất là ngân hàng tiêu dùng điện tử, với 75% trong tổng số hơn 90 triệu dân vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, mật độ chi nhánh ngân hàng, máy rút tiền tự động (ATM), máy POS trên đầu người hiện vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực...

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường tài chính trong nước có nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy ngân hàng tiêu dùng phát triển như cơ cấu dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng và nền kinh tế chung đang trong giai đoạn tương đối ổn định.

Hơn nữa, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh tín dụng ngân hàng dành cho doanh nghiệp vẫn đang chững lại, hoạt động cho vay tiêu dùng trong nước có thể trở thành phao cứu sinh khi tín dụng tiêu dùng hiện chỉ chiếm trên 5% trong tổng dư nợ vay và quy mô nền kinh tế.

Trong khi đó, tỷ lệ này tại một số quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia là khoảng 25-30%. Ngoài ra, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng cũng như mật độ chi nhánh ngân hàng, máy ATM, máy POS trên đầu người của nước ta đang ở mức thấp trong khu vực. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển ngân hàng bán lẻ (cả về chi nhánh, máy POS, máy ATM) còn rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ tài chính điện tử, công nghệ cao.

Cơ hội lớn là vậy. Nhưng đặc thù của cho vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ đến rất nhỏ, như vay mua xe máy, mua điện thoại, hàng điện máy... hoặc những khoản vay dành riêng cho tiêu dùng đặc biệt. Thêm vào đó, các ngân hàng thường đánh giá khả năng trả khoản vay thông qua dòng tiền. Lợi nhuận từ dịch vụ ngân hàng bán lẻ cá nhân thường không lớn và rủi ro không nhỏ.

Do vậy, các ngân hàng thương mại thường có xu hướng tập trung vào những khoản vay có doanh số lớn, chủ yếu hướng đến khối doanh nghiệp, thay vì phục vụ nhóm khách hàng vốn chiếm phần lớn dân số, đầy tiềm năng là các khách hàng cá nhân. Hơn nữa, cơ chế hoạt động riêng của ngân hàng bán lẻ như cơ chế quản trị rủi ro, kênh phân phối chưa được chú trọng xây dựng và tách biệt so với các loại hình dịch vụ khác của các ngân hàng. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta vào nền kinh tế thế giới cũng là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến hoạt động của ngân hàng bán lẻ trong tương lai.

Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường, khách hàng, việc phát triển dịch vụ tài chính tiêu dùng hay ngân hàng bán lẻ cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ như áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn, giảm hay thậm chí mất dần thị phần. Các ngân hàng bán lẻ cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro dòng vốn luân chuyển nhanh hơn, không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến khủng hoảng, rủi ro tài chính.

Trình độ nhân lực quản lý, sự phát triển không đối xứng giữa các nước về trình độ phát triển, văn hóa; khả năng hài hòa giữa mục tiêu độc lập chính sách tiền tệ và tài khóa với nhu cầu hội nhập; sự kết hợp còn lỏng lẻo giữa các cơ quan chức năng; cạnh tranh với các dịch vụ ngân hàng ngầm như ủy thác cho vay, tín dụng đen… cũng là những thách thức không nhỏ đối với việc phát triển ngân hàng bán lẻ, nhất là dịch vụ điện tử.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng bán lẻ đang giảm dần qua từng giai đoạn. Đặc biệt, theo báo cáo của McKinsey & Company về tác động của công nghệ số đối với lợi nhuận ròng của ngân hàng năm 2014 cho thấy, công nghệ số là một trong những nhân tố tác động mạnh giúp các ngân hàng gia tăng 43-48% lợi nhuận; tuy vẫn có một vài tổ chức tín dụng tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm 29-36% lợi nhuận. Song, điều quan trọng là cơ hội vẫn lớn hơn thách thức.

Để phát triển bền vững, Công ty Tư vấn tài chính McKinsey & Company khuyến nghị, các ngân hàng bán lẻ tại châu Á cũng như Việt Nam cần thay đổi và đột phá ít nhất một trong ba yếu tố: kênh phân phối, quản lý rủi ro và dự báo hành vi khách hàng để gia tăng ROE.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng bán lẻ cần xác định khách hàng cá nhân làm trung tâm; từ đó thay đổi và tối đa hóa các kênh phân phối dịch vụ ngân hàng; nghiên cứu, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Thời gian tới, tập trung phát triển các dịch vụ như tư vấn đầu tư, quản lý tài sản cá nhân, dịch vụ ngân hàng điện tử...

Cùng với đó, các ngân hàng cần đơn giản hóa quy trình và mô hình hoạt động; đổi mới sáng tạo xây dựng và thực thi chiến lược ngân hàng số với giải pháp tăng giá trị cho khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả quản trị ngân hàng, chủ động trong việc quản lý rủi ro; gia tăng các tính năng cho sản phẩm dịch vụ thông qua các phương thức thanh toán tiện lợi, kênh dịch vụ đa dạng, hiện đại, và dịch vụ chất lượng cao.

Khi nhu cầu ngày càng đa dạng, thị trường cạnh tranh ngày càng cao, nhất là giai đoạn hội nhập ngày một sâu rộng đang tạo ra nhiều áp lực cho khối ngân hàng bán lẻ, việc ứng dụng các giải pháp kinh doanh sáng tạo và tận dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng cường phát triển ngân hàng bán lẻ điện tử, ngân hàng trên di động được kỳ vọng là chìa khóa mở ra bức tranh tươi sáng về tăng trưởng cho thị trường tài chính năm 2015.