Thúc đẩy vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

Chiều 7/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Hương/daibieunhandan.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: Minh Hương/daibieunhandan.vn
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, trong suốt nhiều năm qua, mặc dù môi trường kinh doanh đã có cải thiện đáng kể; tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 21% trong tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn là vốn.
Hiện tại, khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa sử dụng nguồn vốn ngân hàng; phần lớn trong số này không tiếp cận, hoặc không sử dụng nguồn vốn khác. Đặc biệt là khối doanh nghiệp khởi nghiệp, không có vốn, tài sản thế chấp, mà chỉ có trí tuệ, ý tưởng và phương án kinh doanh.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, giải pháp khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc về cả 3 nhà, gồm: Nhà nước (đại diện là Ngân hàng nhà nước, các bộ ngành liên quan), ngân hàng và các thiết chế tài chính, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ.

Chủ tịch VCCI nhận định, sự thiếu minh bạch khó tạo niềm tin mà tín dụng chính là niềm tin, cộng thêm thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng “nói không” với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một mặt, thể chế, nút thắt trong hoạt động của các định chế tài chính và doanh nghiệp cần cùng lúc được tháo gỡ và thúc đẩy.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết,  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua tiếp nhận thông tin, tín dụng đối với khối doanh nghiệp này vẫn còn gặp khó khăn.

Trước hết, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng như tổ chức hạch toán kế toán theo quy định, thường nộp báo cáo tài chính cho ngân hàng chậm, số liệu thiếu chính xác, chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét vốn và thẩm định hồ sơ vay vốn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thiếu tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản không minh bạch.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, giải pháp để giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ phải là trách nhiệm của cả 3 bên: Nút thắt thể chế của nhà nước, hoạt động tài chính và doanh nghiệp đều phải cùng lúc tháo gỡ.

Về phần mình, các doanh nghiệp nhỏ cũng nên cải thiện minh bạch, công khai thông tin, sẵn sàng làm việc với các tổ chức tín dụng, quản trị doanh nghiệp và quản lý chiến lược cũng như tài chính.