Thực hiện kế hoạch thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước - Tối đa tăng tốc

Theo Lan Ngọc/baocongthuong.com.vn

Năm 2017, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải thực hiện thoái vốn tại 114 doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến tháng 11 mới thực hiện được ở trên 30 doanh nghiệp. Trước nguy cơ khó hoàn thành kế hoạch, SCIC đang tối đa tăng tốc thực hiện những ngày cuối năm.

Thực hiện kế hoạch thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước- Tối đa tăng tốc. Nguồn: Internet
Thực hiện kế hoạch thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước- Tối đa tăng tốc. Nguồn: Internet

Lý giải về tiến độ thoái vốn năm 2017 chậm, ông Lê Long - Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp SCIC - cho biết: Kế hoạch thoái vốn của SCIC năm 2017 nằm trong lộ trình chung về thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, SCIC mới có đủ cơ sở pháp lý để đẩy nhanh thực hiện. Ngay sau đó, SCIC đã tập trung khẩn trương hoàn tất các thủ tục, thẩm định giá…, đẩy nhanh việc thoái vốn, đặc biệt tiến độ được tập trung đẩy nhanh hơn trong 2 tháng cuối năm.

Trong tháng 11, SCIC đã phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hoàn tất giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại 5 doanh nghiệp lớn gồm: Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên tiền phong (mã chứng khoán NTP); Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC); Công ty Cổ phần FPT (FPT); Tổng công ty Vinaconex (VCG).

Trước đó, SCIC đã có phiên giao dịch thoái vốn tại Vinamilk rất thành công. Với 48.333.400 cổ phần (tương ứng 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk) đưa ra chào bán, các nhà đầu tư đã đăng ký mua tới 73.843.400 cổ phần (bằng 153%). Kết quả, SCIC đã bán thành công 100% cổ phần tại Vinamilk với mức đấu giá thành công bình quân 186.000 đồng/cổ phần (bằng 114,5% so với giá khởi điểm); Tổng giá trị thu được là 8.990 tỷ đồng. Ông Nguyễn Chí Thành - Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC - đánh giá: Phiên thoái vốn tại Vinamilk thành công hơn kỳ vọng, giá trị vốn thu về cho nhà nước cao hơn 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên, thời gian còn lại trong năm rất ngắn, khối lượng thoái vốn còn nhiều, đây là một nhiệm vụ không dễ. Đại diện SCIC cho biết, mục tiêu năm 2017 đề ra đạt được phụ thuộc chủ yếu vào việc bán cổ phần tại các doanh nghiệp lớn trong đợt thoái vốn cuối năm. Tháng 12/2017, dự kiến, SCIC sẽ thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn như: Bảo Minh (51% vốn nhà nước), FPT (6% vốn nhà nước, nhưng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng ), Nhựa Thiếu niên tiền phong (37% vốn nhà nước), Nhựa Bình Minh (30% vốn nhà nước)… 

Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại, việc chào bán nhiều cổ phần dồn vào cuối năm, thị trường khó có thể hấp thụ hết. Lý giải băn khoăn này, đại diện SCIC cho biết, khi xây dựng danh mục bán vốn vào cuối năm, SCIC đã có tính toán và cân đối, nghiên cứu khả năng hấp thụ của thị trường đối với từng mã doanh nghiệp. Ngoài ra, SCIC cũng đã xem xét cả cơ cấu cổ đông hiện tại của các doanh nghiệp trước khi thoái vốn.

Cuối năm, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, cũng rất quan tâm tới việc SCIC bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Thành công từ phiên đấu giá cổ phần thoái vốn của SCIC tại Vinamilk tháng 11/2017 cho thấy, những tín hiệu khả quan từ thị trường sẽ giúp cho SCIC đẩy nhanh tiến độ thoái vốn trong tháng 12/2017 là thuận lợi. 

Mặc dù nhận định có tín hiệu khả quan giúp cho việc bán vốn thuận lợi trong dịp cuối năm và sẽ "tăng tốc tối đa" để thực hiện, song đại diện của SCIC cũng thừa nhận, khả năng có thành công và đạt được mục tiêu, kế hoạch thoái vốn đề ra của năm 2017 hay không thì "không thể nói trước", kết quả cuối cùng vẫn do yếu tố thị trường quyết định.

Đến tháng 10/2017, SCIC đã tiếp nhận và đại diện vốn chủ sở hữu tại 1.027 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các tổng công ty nhà nước quy mô lớn; thoái vốn tại 975 doanh nghiệp, giá trị vốn thoái thu được từ giá bán so với giá vốn khởi điểm tăng gấp 3,4 lần.