Thực hư câu chuyện doanh nghiệp FDI luôn kêu lỗ?

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Xuất khẩu liên tục tăng, khối doanh nghiệp FDI vẫn ngâm nga bài ca thua lỗ. Thực hư câu chuyện này như thế nào?

Thực hư câu chuyện doanh nghiệp FDI luôn kêu lỗ?
Việc báo lỗ của khối doanh nghiệp FDI như một mũi tên trúng nhiều đích. Nguồn: internet

Theo Tổng Cục thuế, kết quả rà soát mới đây cho thấy, có tới 3.175 trong số 5.531 doanh nghiệp FDI có số lỗ lũy kế tại thời điểm kiểm tra (chiếm 57,4%).

Điều đáng chú ý là có 529 doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng về doanh thu, tập trung vào các ngành như dệt may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản...

Còn tại các địa phương có tỷ lệ thu hút FDI lớn, số doanh nghiệp báo lỗ cũng không dưới con số 50%.

Cụ thể, tại đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh, trong số 3.281 doanh nghiệp FDI được kiểm tra, có trên 50% kê khai lỗ liên tục nhiều năm. Không ít doanh nghiệp kê khai số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.

Tại Long An, theo cơ quan thuế của tỉnh này, kết quả kiểm tra cho thấy hàng trăm doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ với số tiền hàng trăm tỷ đồng/năm. Đặc biệt, doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh càng nhiều thì báo lỗ càng lớn.

Theo số liệu từ Tổng Cục thuế, kết quả thanh tra 122 doanh nghiệp FDI tại 23 địa phương trên cả nước trong giai đoạn từ năm 2007 - 2012 cho thấy phần lớn trong số này đều có lãi nhưng đã kê khai lỗ hoặc báo lãi rất thấp.

Trong hai năm trở lại đây, tình trạng báo lỗ, hoặc báo lãi thấp của khối doanh nghiệp FDI cũng diễn ra thường xuyên.

Lỗ trên giấy

Mặc dù báo lỗ, khối doanh nghiệp FDI luôn nằm trong số khối doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất.

Cụ thể, số liệu từ Tổng Cục thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2014 ước đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt gần 10,9 tỷ USD, còn kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 22,47 tỷ USD.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt gần 18,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước ước đạt gần 13,8 tỷ USD.

Như vậy, tính đến quý I/2014, trong khi các doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 2,9 tỷ USD thì các doanh nghiệp FDI lại xuất siêu gần 3,9 tỷ USD.

Nhận định về hiện tượng này, ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế cho rằng, hiện tượng các doanh nghiệp FDI chuyển giá rồi kê khai thua lỗ diễn ra phổ biến trong những năm gần đây.

Theo các chuyên gia, đối với doanh nghiệp FDI, chuyển giá như một mũi tên trúng nhiều đích khi vừa có thể giúp doanh nghiệp giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp vừa khiến các đối tác liên doanh trong nước không thể trụ nổi đành ôm nợ và buộc phải rút lui.

Khối FDI lúc bấy giờ bỗng dưng đạt được mục tiêu thâu tóm. Và, trong khi các công ty con ở Việt Nam cứ báo lỗ thì công ty mẹ ở bản xứ vẫn thu được lợi.