Thực hư số liệu tồn kho

Theo Thời báo Ngân hàng

Đánh giá tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh lưu ý rằng, Quốc hội cũng đang bàn sâu về tình hình kinh tế và biện pháp khắc phục. Vì vậy, khi sử dụng số liệu thống kê cần được làm rõ nếu không sẽ đánh giá sai xu hướng. “Không làm rõ số liệu, sẽ có chính sách sai, gây lãng phí cho nền kinh tế”, ông nói.

Thực hư số liệu tồn kho
Nhiều doanh nghiệp đã và đang giảm được lượng hàng tồn kho
“Không biết tồn kho tăng là so với cái gì”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình vừa nêu vấn đề này trên diễn đàn của Quốc hội cuối tuần trước. Ở mỗi kỳ họp Chính phủ, kể từ đầu năm nay, vấn đề tồn kho vẫn luôn làm dấy lên nhiều quan ngại. Nhiều chính sách “giải cứu” hàng tồn kho đã được ban hành, nhưng cũng khoảng thời gian này, không ít quan điểm từ phía bộ, ngành lại cho rằng, con số thống kê chưa phản ánh đúng thực tế vấn đề tồn kho.

Bản báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành tại buổi họp giao ban về tình hình sản xuất kinh doanh 10 tháng vừa qua cho biết, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/10/2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 20,3% so với cùng thời điểm năm trước, tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao... Trước con số thống kê này, đại diện Bộ Xây dựng và Công Thương đã cho rằng, nếu chỉ đưa ra tỷ lệ tồn kho tăng bao nhiêu % so với năm trước sẽ gây ra sự hiểu không đúng.

“Nếu chỉ đọc số liệu thống kê đưa ra chỉ số hàng tồn kho của sản xuất xi măng tăng 53,1% sẽ có cảm nhận xi măng tồn kho cao quá”, ông Phạm Văn Bắc - Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) có ý kiến. Trên thực tế, lượng tồn kho của sản xuất xi măng tính đến 1/10/2012 là 2,6 triệu tấn. Theo ông Bắc, đây là lượng tồn kho luân chuyển bình thường và chỉ tương đương 15 đến 18 ngày sản xuất. “Đúng là các DN sản xuất vật liệu xây dựng rất khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, nhưng DN luôn điều chỉnh sản xuất theo thị trường, phần lớn các DN đã giảm sản xuất nên lượng tồn kho không cao”, ông cho hay.

Quả vậy, đối chiếu với kế hoạch sản xuất xi măng năm 2012 là 56 triệu tấn, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10 đã sản xuất được 46,5 triệu tấn, tức hơn 80% kế hoạch năm, nhưng giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2011. Vì lẽ đó, ông Bắc đề nghị bên cạnh chỉ số sản xuất, tồn kho tăng giảm bao nhiêu so với thời điểm so sánh trước đó, nên đưa ra con số định lượng cụ thể và nên so sánh với giá trị sản xuất để phân tích tình hình cho đúng. Với trường hợp xi măng, lượng tồn kho chỉ bằng 4,6% giá trị sản xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hòa - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tổng hợp (Bộ Công Thương) cũng cho biết: “Khắp nơi ai cũng lo tồn kho, các chuyên gia kinh tế cũng cho tồn kho là nút thắt, nhưng DN sản xuất bảo đã giảm sản xuất thì cũng chả tồn kho mấy”.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm có lưu ý rằng, theo thông lệ quốc tế, chỉ số hàng tồn kho ở mức 5-7% “là đẹp”, dưới mức này thì cung không đáp ứng đủ cầu, nhưng cao hơn 8% sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất chu kỳ sau. Tuy nhiên, phải so sánh với sản lượng sản xuất chứ không phải so với các thời điểm trước.

Từ các quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Hà phát biểu: “Cả nước ta, từ Trung ương đến địa phương và cả Quốc hội đều đang coi tồn kho là nút thắt. Đã thắt thì phải gỡ. Đã gỡ phải đưa chính sách vào, nhưng cả Bộ Xây dựng và Công Thương đều bảo tồn kho không cao”.

“Thừa nhận” có cách hiểu khác nhau về tồn kho, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cũng cho biết: “Gần đây, khi làm việc với DN sắt, thép, xi măng thì các anh ấy nói rằng hàng tồn kho không có vấn đề gì lớn lắm”.

Nhưng quan trọng hơn, ông Vinh cho rằng, tình hình tồn kho vẫn đang tiếp tục được cải thiện trong những tháng cuối năm. Bởi hiện tại, các giải pháp của Chính phủ cũng hướng tới đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tồn đọng cho DN đặc biệt là những mặt hàng như xi măng, sắt, thép... Đồng thời, trong những tháng cuối năm do đầu tư cho sản xuất, xây dựng cơ bản được đẩy nhanh nên hàng tồn kho sẽ giảm hơn.

Về vấn đề này, ông Bắc đề nghị cần có những giải pháp trúng và đúng hơn để khôi phục sản xuất của DN, chống tình trạng đình trệ chứ không chỉ nhằm giải quyết tồn kho. Ông Hòa cũng cho biết thêm, phân tích của Bộ Công thương cho thấy sản xuất công nghiệp có chuyển biến, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng còn rất thấp (chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2011 tăng 7%.

“Đây là diễn biến ngược vì thông thường những tháng cuối năm, các DN đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm”, ông Hòa phát biểu. Điều này cho thấy khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các DN còn rất nhiều khó khăn.

Đánh giá tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh lưu ý rằng, Quốc hội cũng đang bàn sâu về tình hình kinh tế và biện pháp khắc phục. Vì vậy, khi sử dụng số liệu thống kê cần được làm rõ nếu không sẽ đánh giá sai xu hướng. “Không làm rõ số liệu, sẽ có chính sách sai, gây lãng phí cho nền kinh tế”, ông nói.

Số lượng tồn kho tại các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương:

Tính đến 1/10/2012, lượng tồn kho của than sạch gần 9,4 triệu tấn; tinh quặng sắt: gần 98.000 tấn; quặng sắt: 126.000 tấn; thép tồn kho 93,3 nghìn tấn; phân urê tồn khoảng 82.000 tấn; phân lân gần 350.000 tấn; ô tô các loại 477 chiếc; giấy các loại hơn 17.000 tấn; bia gần 64 triệu lít (dự trữ chuẩn bị hàng tết ở mức ổn định); thuốc lá: 83 triệu bao; dầu thực vật hơn 9,3 nghìn tấn...

(Nguồn: Bộ Công Thương)