Thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam

Vân Anh

Trong xu thế hội nhập, muốn thắng thế, đòi hỏi đặt ra đối với các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong những năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều bước đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên, trước sức ép hội nhập, vẫn còn nhiều vấn đề đặt cần giải quyết…

Trong cộng đồng DN Việt Nam, trên 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cạnh tranh
Trong cộng đồng DN Việt Nam, trên 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cạnh tranh

Theo Sách trắng doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2020, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 DN đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Trong số đó, có 508.770 DN hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm 67,1% tổng số DN cả nước, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2018; Khu vực công nghiệp và xây dựng có 239.755 DN, chiếm 31,6%, tăng 5,1%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 10.085 DN, chiếm 1,3%, giảm 6,3%.

Riêng năm 2019, cả nước có 138.139 DN thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018. Tổng vốn đăng ký của DN thành lập mới năm 2019 đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018; vốn đăng ký của khu vực dịch vụ đạt cao nhất đạt 1,17 triệu tỷ đồng, chiếm 67,6%, tăng 12,9% so với năm 2018;

Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm trên 95%, tổng số DN đăng ký, tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động. Điều này khẳng định DNNVV đang là trụ cột chính trong nền kinh tế đất nước. Xác định rõ vai trò quan trọng, những năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ nhiều khó khăn, thúc đẩy khu vực DNNVV phát triển.

Chính phủ tập trung các chính sách hỗ trợ những nội dung cụ thể: Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNVV, các DN đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp quốc gia; Tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành DN hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác; Hỗ trợ và khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước; Hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

Cùng với đó, Chính phủ ban hành nhiều chính sách về ưu đãi về thuế, tín dụng cho DN, nhất là đối với các DNNVV; tạo nguồn vốn và mặt bằng sản xuất kinh doanh; cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực quản trị DN, đào tạo nghề cho lao động... Những động thái tích cực này này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, DN Việt Nam nói chung và cộng đồng DNNVV nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến hiệu quả, sức cạnh tranh. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hàng năm cho thấy, chi phí vay vốn ngân hàng của DNNVV thường cao hơn so với của DN lớn, khoảng 1-2%/năm; tỷ lệ chi phí không chính thức đối với DNNVV còn lớn.

Các rào cản về thể chế, liên quan đến các vấn đề như: Thừa nhận vai trò DN tư nhân nói chung, pháp lý tài sản, thủ tục hành chính, môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, chất lượng đội ngũ công vụ, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước... là những rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của  DN.

So với các quốc gia thế giới, DN Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế như: DNNVV đa phần làm dịch vụ, chỉ khoảng trên 20% là hoạt động sản xuất; trên 40% DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/1 năm; 85% DN có doanh thu dưới 2 tỷ đồng/năm.

Mặc dù, số lượng DN tư nhân tăng hàng năm nhưng quy mô bình quân của mỗi DN còn nhỏ. Cùng với đó, năng suất lao động thấp, chưa thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm đi chất lượng công việc trong khu vực DNNVV, do vậy, các DN này càng rơi vào vị thế bất lợi khi cạnh tranh.

Trong cộng đồng DN Việt Nam, trên 95% là DNNVV, quy mô nhỏ nên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thị trường toàn cầu do các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia chi phối.

Điển hình các khó khăn chung DNNVV đang gặp phải như: Tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn đang là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của DNNVV Việt Nam; Máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các DN Việt Nam chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu; tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2%; Các DN Việt Nam đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chỉ khoảng 0,2% - 0,3% tổng doanh thu... Trình độ thiết bị công nghệ trong các DNNVV ngoài nhà nước chỉ bằng 3% mức trang bị kỹ thuật trong các DN lớn...

Thực trạng này đang đặt ra những thách thức lớn đối với năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Mặt khác, trình độ, năng lực tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị DN có hạn chế rất lớn, nhiều DN chưa có chiến lược kinh doanh, vẫn chủ yếu kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, kinh doanh theo phi vụ. Các chiến lược phân phối, truyền thông, xúc tiến thương mại của các DN Việt Nam còn nhiều yếu kém, hoạt động xúc tiến thương mại còn giản đơn, không có hiệu quả thiết thực; chi phí cho hoạt động xúc tiến thương mại chỉ bằng dưới 1% doanh thu so với tỷ lệ 10% đến 20% của DN nước ngoài.

Bên cạnh đó, một trong những thách thức rất lớn của DN Việt Nam là chất lượng nhân lực thấp. Đội ngũ chủ DN, cán bộ quản lý DN rất thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. Đa số các chủ DN và giám đốc DN tư nhân chưa được đào tạo bài bản, trang bị kiến thức kinh doanh, quản lý, kinh tế - xã hội, văn hóa, luật pháp, kỹ năng quản trị kinh doanh, nhất là kỹ năng kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Điều này thể hiện rõ trong việc nhiều DN chưa chấp hành tốt các quy định về thuế, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, chất lượng hàng hóa, sở hữu công nghiệp… Tất cả các yếu tố hạn chế trên đều phản ánh năng lực cạnh tranh của DN.