Thương mại điện tử: Cơ hội cất cánh

Theo baocongthuong.com.vn

Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020” nhằm tạo thêm lực đẩy giúp thương mại điện tử Việt Nam cất cánh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2020 - doanh số thương mại điện tử đạt 10 tỷ USD

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT&CNTT - Bộ Công Thương), Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị trung bình 350 USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử (TMĐT) B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) tăng 20%, đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Đánh giá về sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT, ông Lê Đức Anh - Trưởng phòng Phát triển dịch vụ trực tuyến (Cục TMĐT&CNTT) - cho rằng, TMĐT còn có sự đóng góp không nhỏ từ doanh thu của Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2015. Trong ngày này, đã có tới 701.607 đơn hàng được đặt mua, tổng doanh thu của các doanh nghiệp tham gia gần 580 tỷ đồng.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ về người dùng smartphone như hiện nay, TMĐT di động cũng sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong 5 năm tới. Thống kê của Cục TMĐT&CNTT cho thấy, hơn 40% trong tổng 92 triệu dân của Việt Nam sử dụng internet và 58% trong số này đã từng tham gia mua hàng trực tuyến. Số liệu cũng cho thấy, trong số hơn 120 triệu thuê bao di động ở Việt Nam có gần hai phần ba khách hàng sử dụng smartphone để mua hàng trực tuyến.

Nói về sự phát triển của TMĐT, lãnh đạo của Cục TMĐT&CNTT chia sẻ, sau 11 năm, từ chỗ chưa có gì, TMĐT đã tạo được chỗ đứng tại Việt Nam. Trong vòng 5 năm tới, Bộ Công Thương tiếp tục xác định TMĐT là một cách thức kinh doanh quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà với cả các cá nhân. Các hiệp định quốc tế đều đề cập sâu đến TMĐT, đòi hỏi lĩnh vực này phải phát triển nhanh và sâu hơn nữa.

Lấp “lỗ hổng” thanh toán điện tử

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng rào cản TMĐT tại thời điểm này chính là thanh toán điện tử (TTĐT). Theo ông Lê Đức Anh, nguyên nhân của việc TTĐT chiếm tỷ lệ chưa cao là do chính các webiste TMĐT vẫn dùng thanh toán tiền mặt.

Cụ thể, chỉ có 53% website có chức năng đặt hàng trực tuyến và 17% website chấp nhận TTĐT. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại các giải pháp bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin cho các giao dịch TTĐT.

Trước thực trạng trên, một nội dung quan trọng tại Quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến mục tiêu đẩy mạnh TTĐT. Cụ thể, đến năm 2020, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức không dùng tiền mặt. Đặc biệt, 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.

Về vấn đề này, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại nhìn nhận: Mục tiêu 50% người dân ở các thành phố lớn sẽ thanh toán không dùng tiền mặt có thể đạt được do hiện nay, các dịch vụ ngân hàng điện tử bùng nổ, nhất là ứng dụng trên di động (Mobile Banking) đang phát triển mạnh mẽ. Xét về hạ tầng TTĐT, đến nay đã có 45 ngân hàng cung cấp dịch vụ SMS Banking, Internet Banking và 25 ngân hàng triển khai ứng dụng Mobile Banking.

Muốn thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo nhiều chuyên gia kinh tế, không chỉ thay đổi thói quen của người tiêu dùng, đẩy mạnh các kênh thanh toán trực tuyến mà nhà nước cần trở thành người mua lớn nhất (mua sắm Chính phủ qua đấu thầu trực tuyến) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các hệ thống TTĐT mới phát triển, bảo đảm an ninh, an toàn và hoạt động ổn định của các hệ thống TTĐT tại Việt Nam để thúc đẩy phát triển TMĐT.