Thương mại điện tử: Không thuế, không đảm bảo chất lượng

Lê Thúy

(Tài chính) Không thuế, không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ… nhưng kinh doanh trực tuyến (thương mại điện tử - TMĐT) đang ngày càng phát triển với số lượng website cũng như các hình thức bán hàng cá nhân qua các trang mạng xã hội tăng nhanh rất khó kiểm soát.

Thương mại điện tử: Không thuế, không đảm bảo chất lượng
TMĐT đang ngày càng phát triển với số lượng website cũng như các hình thức bán hàng cá nhân qua các trang mạng xã hội tăng nhanh rất khó kiểm soát. Nguồn: internet
Trong thời kỳ kinh tế khó khăn việc mở một gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ tiết kiệm được các chi phí như thuê mặt bằng, nhân sự, điện, nước… Chính vì vậy, nó không chỉ khiến các doanh nghiệp (DN) mà nhiều cá nhân đã lựa chọn hình thức tiết kiệm và hiệu quả này.

Gia tăng tự phát

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2013, ước tính quy mô thị trường thương mại điện tử đơn vị bán lẻ từ DN đến cá nhân là khoảng 2,2 tỷ USD, trong đó một cá nhân dùng internet vào mua sắm trực tuyến là 120 USD/năm. So với tỷ lệ 36 triệu người truy cập internet thì có 57% trong số họ có mua sắm trực tuyến. Đồng thời dự báo năm 2015, lượng mua sắm sẽ nhiều hơn với số tiền bỏ ra là 150 USD/người.

Với tốc độ gia tăng như vậy nhưng hiện nay, trên cả nước chỉ có 4.800 website hoạt động TMĐT đăng ký thủ tục theo quy định và chiếm tỷ lệ khoảng 2% DN TMĐT đang hoạt động. Các địa phương có DN đăng ký nhiều nhất là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Ninh. Riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng 80.000 website TMĐT đang hoạt động thì cũng chỉ có 1.876 website tiến hành các thủ tục đăng ký, thông báo theo đúng quy định của pháp luật.

Bà Lê Thị Hà, Phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), cho biết: “Lượng DN tiến hành thủ tục thông báo đăng ký với Bộ chưa nhiều. Một số wesite bán hàng cũng như sàn giao dịch thương mại hoạt động đa dạng nhưng ít người thực hiện đúng thủ tục hành chính”.

Anh Q., chủ nhân của một trang mạng bán hàng tổng hợp trên facebook, cho biết anh đã bắt đầu công việc rao và bán hàng tổng hợp thông qua hình thức này được khoảng một năm và thấy rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi hỏi anh đã từng phải đóng thuế chưa thì anh ngạc nhiên “tại sao việc bán hàng trên trang cá nhân facebook của mình lại phải nộp thuế”?

Như vậy, có nghĩa suốt một năm qua anh Q. chưa từng đóng bất kỳ một lệ phí nào trong khi hàng ngày, hàng giờ anh vẫn rao và bán hàng trên mạng. Không riêng anh Q. mà còn nhiều cá nhân, đơn vị bán hàng nhỏ lẻ vẫn chưa phải đóng thuế cho việc kinh doanh trực tuyến của mình.

Chất lượng thả nổi

Những trang mạng xã hội như Facebook.com, dịch vụ xuyên biên giới, không chịu sự chi phối của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, bởi Facebook không có đại diện (chi nhánh, văn phòng đại diện hay tên miền.vn) tại Việt Nam. Nhưng, theo bà Lê Thị Hà: những cá nhân, tổ chức là người Việt Nam mua bán, trao đổi sản phẩm, hàng hóa trên Facebook, mặc dù không phải đăng ký với Bộ Công Thương, nhưng vẫn phải chịu sự chi phối của điều 37, Nghị định 52.

“Đối với những box mua bán trong diễn đàn như 5 giây, Tinh Tế… là đối tượng chịu sự chi phối của Nghị định 52/2013/NĐ-CP, kể cả các website đăng tin giới thiệu hàng hóa, chào hàng nhưng thanh toán offline vẫn được tính là một hoạt động TMĐT ”, bà Hà nói. Như vậy, đồng nghĩa với việc tất cả những trường hợp buôn bán trên mạng đều phải đóng thuế.

Tuy nhiên, thực tế là đa số các trường hợp bán hàng qua mạng đều giao dịch trên các địa chỉ online. Tại địa chỉ giao dịch thông báo trên mạng thì không có hoạt động kinh doanh, không có bảng hiệu và hàng hóa. Các đối tượng mua - bán đều mở "gian hàng ảo" mà không có địa chỉ thực tế. Trong khi đó, quy định về cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải có địa điểm giao dịch, có vốn kinh doanh… Dẫn đến Nhà nước vẫn thất thu một nguồn thuế lớn.

Cùng với đó là chất lượng hàng hóa đang bị thả nổi khi giao bán. Bà Hà cho rằng: Người bán nhận thức chưa cao nên một số cá nhân bán hàng trên facebook như quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng… vẫn bán hàng giả, hàng nhái rất khó kiểm soát so với kênh bán hàng truyền thống. Ở truyền thống, quản lý thị trường đến tận nơi kiểm tra sản phẩm có thể biết đâu là hàng giả, hàng nhái. Còn bán hàng qua mạng khi quảng cáo sai sự thật, cơ quan quản lý đến thì họ đã xóa hết.

Theo ông Lê Minh Loan, đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, tình trạng lừa đảo trên TMĐT ngày càng phức tạp, trong đó phổ biến là hàng điện tử và hàng có giá trị. Các hành vi lừa đảo qua các cổng thanh toán trung gian cũng ngày càng phổ biến với các vụ vi phạm có giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Điều đó đặt ra yêu cầu quản lý phải nâng lên để đảm bảo TMĐT hoạt động một cách hợp pháp, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về: thuế, an toàn bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân cho khách hàng...