Thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng chưa bền vững

Theo Đại biểu nhân dân

Việc website của Công ty Nhóm mua - một doanh nghiệp thương mại điện tử đang được nhiều người tiêu dùng ủng hộ - bất ngờ bị lỗi, tiếp đó là hàng loạt doanh nghiệp khác từ chối nhận phiếu mua hàng hóa, dịch vụ (voucher) giảm giá của website này đã khiến những người sử dụng dịch vụ hoang mang. Sự việc này một lần nữa cho thấy, ở nước ta thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Người tiêu dùng nếu không cẩn trọng sẽ bị thiệt thòi.

Thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng chưa bền vững

Mua hàng theo nhóm trên internet tuy mới phát triển ở Việt Nam khoảng hơn 1 năm nay nhưng đã thu hút được đông đảo khách hàng tham gia vì những ưu điểm như tiện lợi, giá rẻ hơn mặt bằng chung, phát triển rộng khắp. Trong số các trang web mua hàng theo nhóm, Nhóm mua được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hoạt động mạnh và hiệu quả nhất. Vì thế, việc trang web của công ty này đóng cửa, voucher mua hàng bị từ chối, tiếp đó là thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao của doanh nghiệp một cách đột ngột khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Theo thông báo của tân Tổng giám đốc điều hành Nhóm mua thì hiện nay Tổng giám đốc cũ đang bị ngừng chức vụ và điều tra do những sai phạm trong hoạt động. Tạm thời trang web của Nhóm mua ngừng hoạt động để công ty rà soát lại, đồng thời cho biết website sẽ sớm hoạt động trở lại, quyền lợi khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng. Thực tế sự việc này đến đâu thì không ai kiểm chứng và chưa có một thông báo chính thức nào của cơ quan quản lý Nhà nước. Hội đồng quản trị của Nhóm mua vẫn im hơi lặng tiếng về số phận của những voucher đã được phát hành, cùng với đó là số tiền hàng tỷ đồng mà khách hàng đã bỏ ra để mua voucher.

Website của Nhóm mua chỉ ngừng một thời gian ngắn rồi trở lại hoạt động bình thường. Các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ tiếp tục chấp nhận voucher của website này. Tuy nhiên, hiện tượng này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp của một doanh nghiệp thương mại điện tử đang ăn nên làm ra. Sự thiếu chuyên nghiệp ấy thể hiện ở chỗ doanh nghiệp đã không có những động tác để minh bạch thông tin, trấn an dư luận, giữ gìn kết nối với các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ. Cách thức xử lý sự cố của Nhóm mua trong trường hợp này cho thấy sự thiếu bài bản, thiếu nhất quán và thiếu sự tôn trọng khách hàng khi để khách hàng hoang mang và chịu thiệt thòi như vậy.

Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của thương mại điện tử không thiếu. Sự thiếu chuyên nghiệp của giao dịch thương mại điện tử ở nước ta là do triển khai thực hiện quy định pháp luật chưa đồng bộ, không hiệu quả. Vì thế,  hàng năm vẫn có hàng trăm vụ việc người tiêu dùng bị lừa khi mua bán qua  internet. Các chuyên gia về thương mại điện tử vẫn khuyên nên chọn những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn, có uy tín, có địa chỉ rõ ràng, thanh toán qua trung gian… Nhưng với cách thức quản lý lỏng lẻo hiện tại, cũng như thói quen lâu nay của người tiêu dùng là mua theo phong trào, ít để ý đến các văn bản ràng buộc, thì chuyện mất tiền mua bực vào thân vẫn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Và lòng tin của khách hàng đối với hoạt động mua bán này sẽ giảm sút.

Để hoạt động thương mại điện tử thực sự bài bản và hiệu quả thì cơ quan chức năng cần đưa ra những điều kiện bắt buộc với các doanh nghiệp tham gia hoạt động về minh bạch thông tin doanh nghiệp như địa chỉ, số điện thoại, tên người quản lý cũng như các yêu cầu ràng buộc và cơ chế phạt nặng khi doanh nghiệp vi phạm quy định… Về phía người tiêu dùng cũng cần xem xét kỹ lưỡng về hoạt động trước đó của doanh nghiệp, uy tín của doanh nghiệp trước khi quyết định mua hàng. Nếu không mua qua nhóm mà mua đơn lẻ thì tốt nhất nên chọn hình thức thanh toán trung gian để được bảo đảm nhận lại tiền khi không nhận được hàng.