Thương mại điện tử sẽ có nhiều bước đột phá mới

Theo ven.vn

(Tài chính) Với quy mô dân số 90 triệu người, hơn 31 triệu người sử dụng Internet, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang phát triển khá nhanh, hoạt động giao dịch mua bán qua mạng rất sôi động và tiềm tàng nhiều cơ hội. Phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) xung quanh nỗ lực đẩy mạnh phát triển TMĐT trong thời gian tới.

Thương mại điện tử sẽ có nhiều bước đột phá mới - Ảnh 1
Ông Trần Hữu Linh
P
hóng viên: Năm 2013, lĩnh vực TMĐT đã có những bước tiến gì trong việc bảo vệ người tiêu dùng cũng như quyền lợi hợp pháp của những người kinh doanh TMĐT?

Ông Trần Hữu Linh: Theo tôi, bước đột phá cơ bản về môi trường pháp lý để TMĐT phát triển bền vững, mang lại giá trị thực sự cho người tiêu dùng là việc ra đời Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT ngày 16/5/2013.

 Tiếp đó, ngày 20/6/2013, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BCT quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website TMĐT nhằm hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân thực hiện những quy định tại Nghị định 52.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho TMĐT, ngày 15/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có một mục riêng quy định các hành vi vi phạm hành chính về TMĐT. Nghị định 185 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Có thể nói, khung pháp lý về TMĐT năm 2013 có nhiều bước tiến mới, các văn bản được hoàn thiện từ những quy định nội dung, văn bản hướng dẫn, cho đến văn bản chi tiết hóa các quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động TMĐT.

Các nghị định trên sẽ tạo sự an tâm cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực TMĐT trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, định hướng phát triển TMĐT lành mạnh, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng cũng như đem lại môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp, đồng thời là động lực thúc đẩy TMĐT phát triển đúng hướng.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang ứng dụng TMĐT để quảng bá, xúc tiến xuất khẩu (xuất khẩu). Ông nhận định thế nào về vấn đề này? Theo ông, cách thức nào có thể giúp doanh nghiệp ứng dụng TMĐT tốt hơn phục vụ hoạt động xuất khẩu?

Có thể nói, ứng dụng TMĐT để quảng bá, xúc tiến xuất khẩu là một trong những ứng dụng quan trọng, hiệu quả hàng đầu đối với các doanh nghiệp và đây cũng là xu thế chung trên thế giới. Một trong những lợi ích chủ đạo mà TMĐT mang lại cho doanh nghiệp xuất khẩu, đó là thu thập được nhiều thông tin, giảm chi phí bán hàng, tiếp thị và giao dịch. Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra hết sức nhạy bén trong việc tiếp cận và ứng dụng TMĐT phục vụ hoạt động xuất khẩu trong những năm qua.

Nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin xây dựng và duy trì Cổng thông tin Thị trường nước ngoài tại địa chỉ www.ttnn.com.vn. Đây là địa chỉ cung cấp một cách có hệ thống thông tin thị trường của hầu hết các nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức kinh tế - thương mại. Phần lớn thông tin ở đây được cung cấp bởi các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và hệ thống trên 60 thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam ở các nước và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, Cục cũng đang quản lý, vận hành Cổng thông tin Xuất khẩu Việt Nam tại địa chỉ www.vietnamexport.com. Đây là website bằng tiếng Anh giới thiệu các tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cho các đối tác nước ngoài, hướng dẫn tra cứu thông tin, tìm kiếm đối tác uy tín theo từng ngành hàng, lĩnh vực.

Có thể nói, để tăng cường ứng dụng TMĐT phục vụ xuất khẩu, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực, chủ động trong hoạt động tiếp thị, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện điện tử. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần sáng tạo tìm ra những cách thức, mô hình kinh doanh điện tử mới mà trong đó có thể kết hợp linh hoạt cả phương thức điện tử và truyền thống.

Một số lĩnh vực, ngành hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam có thể ứng dụng TMĐT phục vụ xuất khẩu, đó là nông sản, sản phẩm dệt may, thủ công mỹ nghệ…. Đây là những sản phẩm thuộc nhóm hàng phù hợp với kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tính tới khả năng xuất khẩu một số dịch vụ như dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch, thông tin, tư vấn....

Theo ông, Việt Nam sẽ có những giải pháp gì nhằm phát triển thị trường TMĐT trở thành thị trường hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới?

Ngay từ đầu, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã quan tâm tới phương thức TMĐT với việc thông qua Quyết định của các Bộ trưởng WTO về TMĐT toàn cầu. Việc Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới trong những năm qua có tác động rất lớn tới sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT. Ngoài việc thu được lợi ích trực tiếp từ các quy định trên của WTO về TMĐT, nhiều cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển TMĐT trong dài hạn, trong đó bao gồm việc mở cửa thị trường TMĐT cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một số cam kết trong lĩnh vực thương mại dịch vụ có liên quan tới TMĐT bao gồm: Cam kết chung, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, dịch vụ thông tin, dịch vụ phân phối và dịch vụ giáo dục. Trong số đó, có thể nói lĩnh vực dịch vụ phân phối có những tác động trực tiếp tới phát triển TMĐT tại Việt Nam.

Ngay tại thời điểm gia nhập, Việt Nam đã cho phép các nhà phân phối nước ngoài bán hàng qua biên giới các sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân. Điều này cho phép hình thức giao dịch TMĐT B2C và C2C của Việt Nam với các nước khác phát triển thuận lợi.

Theo kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tiến hành đối với 47 sàn giao dịch TMĐT đã đăng ký với Bộ Công Thương cho thấy, tổng giá trị giao dịch ước tính được thực hiện qua những sàn này đạt khoảng 354 triệu USD và doanh số của cả thị trường TMĐT B2C Việt Nam năm 2013 đạt hơn 700 triệu USD. Dự báo doanh số TMĐT B2C của Việt Nam năm 2015 sẽ đạt khoảng 1,3 tỷ USD.

Như vậy, có thể thấy chính sách và hạ tầng pháp lý cho TMĐT của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, TMĐT sẽ có nhiều bước đột phá mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội.