Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó

ThS. PHẠM THỊ THÚY HẰNG

(Tài chính) Doanh nghiệp (DN) hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, tín dụng… Trước tình trạng trên, các ngân hàng nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để tiếp sức cho DN vượt khó…

Việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC góp phần hỗ trợ các DN có khả năng tiếp cận vốn trở lại. Nguồn: internet
Việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC góp phần hỗ trợ các DN có khả năng tiếp cận vốn trở lại. Nguồn: internet

Trở ngại cao, rào cản lớn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2013, cả nước có 58.231 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 281.359 tỷ đồng, tăng 10,8% về số DN và giảm 21,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Các DN mới tập trung vào một số ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh như: Bán lẻ thành lập mới tăng 127,5% so với cùng kỳ; Công nghiệp chế biến, chế tạo liên quan đến sản xuất đồ kim hoàn, dụng cụ y tế tăng 60,8%; Viễn thông tăng 53,7%; Sản xuất liên quan đến đồ da, đồ uống và trang phục tăng 12%; Hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế tăng 32,3%...

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính, suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Có không ít DN đã phải phá sản, giải thể do làm ăn thua lỗ. Cụ thể, tính đến tháng 9/2013, cả nước có 6.742 DN hoàn thành thủ tục giải thể, giảm 2% so với cùng kỳ và 35.717 DN gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, tăng 12,8% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn nhất đối với các DN là do thiếu vốn hoạt động. TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đánh giá: DNNVV có vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng chiếm 42%, từ 1 - 5 tỷ đồng chiếm 37%, từ 5 - 10 tỷ đồng chiếm 8%, còn lại hơn 10 tỷ đồng. Do số vốn tự có nhỏ bé như thế nên 90% số DN phải huy động, vay vốn từ các nguồn để sản xuất kinh doanh, riêng vay ngân hàng chiếm khoảng 70%.

Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay của DN từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, không phải DN nào cũng đáp ứng đầy đủ các điều kiện của ngân hàng, đặc biệt là đối với các DNNVV. Một số DN phàn nàn, trong thời gian qua lãi suất cho vay của ngân hàng với DN là quá cao trong khi hàng tồn kho lớn, khiến DN gặp nhiều khó khăn. Các DN còn rất ít tài sản thế chấp, trong khi thế chấp bằng hàng tồn kho để vay thì rất khó.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chia sẻ: “Chúng ta đã vạch ra nhiều khó khăn của DN nhưng chưa nhìn thấy được bản chất của vấn đề. Cái gốc khó khăn nhất của DN hiện nay là khó vay vốn, các khoản vay cũ vẫn gánh lãi suất cao... chính vì vậy nợ xấu càng gia tăng”.

Ngoài ra, máy móc, trang thiết bị của các DNNVV còn cũ kỹ, chưa được đầu tư nhiều, chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và tỷ lệ lạc hậu “lên” tới 52%. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, mới chỉ đạt 2%, nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ thấp, chỉ khoảng 0,2% - 0,3% tổng doanh thu... Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của DN.

Lực đỗ nào cho DN vượt khó

Trước những khó khăn bất lợi trên, đòi hỏi các DN phải có những giải pháp phù hợp. Để các DN đủ sức vượt qua giai đoạn khó khăn, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước phải có lộ trình hạ dần lãi suất xuống dưới 10% vì lãi suất cho vay của Việt Nam hiện còn cao hơn các nước trong khu vực từ 3% - 4% nên các DN nước ta cũng khó cạnh tranh với các DN trong khu vực và đầu tư dài hạn.

Việc hỗ trợ về vốn vay và tiếp cận tín dụng cho DN hiện nay là rất cần thiết. Ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội cho rằng, hấp thụ vốn của DN Hà Nội chưa phù hợp, dư nợ tín dụng nhiều. “Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực nhưng ngân hàng cũng như DN đều phải hoạt động kinh doanh, phải đảm bảo an toàn vốn. Đặc biệt, nguồn vốn ngân hàng là từ nhân dân, từ nền kinh tế nên trách nhiệm của ngân hàng là phải kinh doanh có hiệu quả. Chúng tôi cần đảm bảo an toàn vốn, tránh tình trạng tín dụng đen, tổ chức bên ngoài thu hồi vốn xong cho vay không đòi được” – ông Hùng nói.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất kinh doanh, hiện nay khối ngân hàng đều đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh chóng. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; duy trì tốt hệ thống thanh khoản cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế. Việc kiểm soát tốt tỷ giá, lãi suất cũng sẽ góp phần lấy lại sự tự tin cho các DN khi cân nhắc đầu tư.

Việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC góp phần hỗ trợ các DN có khả năng tiếp cận vốn trở lại, cũng như giúp các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trưởng tín dụng.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, để thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, bên cạnh các vấn đề khác như giảm lãi suất, ưu tiên cho vay, còn cần xử lý những vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm. Điều này tạo ra các hệ quả như hiện nay mà toàn nền kinh tế phải xử lý, trong đó có vấn đề nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm góp phần hỗ trợ các DN có khả năng tiếp cận vốn trở lại, cũng như giúp các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý rủi ro, xử lý nợ xấu để khơi thông nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng.

Ngoài các biện pháp hỗ trợ vốn vay, tín dụng hay giảm bớt những thủ tục rườm rà, bản thân các DN cũng phải tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng việc củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các DN phải tự thân vận động, tự chiến đấu và tự cứu mình. DN cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản hơn kết nối đầu vào đầu ra thị trường ổn định hơn, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường cũng như sản phẩm. Đồng thời, DN phải tập trung nâng cao trình độ quản trị nói chung, đặc biệt quản trị tài chính để có thể phân tích chính xác chi phí và lợi nhuận.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11 - 2013