Tìm chiến lược kinh doanh cho năm 2014

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Kinh tế khó khăn kéo dài, cùng với đó là thông tin về việc hàng loạt doanh nghiệp (DN) bị giải thể, ngưng hoạt động hoặc bị thua lỗ. Nhiều DN đang “sống” cũng băn khoăn không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước và mình nên làm gì để thành công trong năm 2014. Hội thảo “Chiến lược kinh doanh nào cho năm 2014?” do Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cuối tuần qua đã giải đáp phần nào những khúc mắc đó cho DN.

 Tìm chiến lược kinh doanh cho năm 2014
Quang cảnh buổi hội thảo. Nguồn: internet

Đơn ngành hay đa ngành?

Tại hội thảo, TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho DN những cách để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp. Theo đó, DN cần xác định 2 yếu tố là nguồn lực của mình (mạnh hay yếu) và môi trường kinh doanh (có cơ hội hay nguy cơ). Lúc này DN sẽ rơi vào 1 trong 4 trường hợp.

Thứ nhất, nếu DN mạnh và môi trường đang có nhiều cơ hội thì giải pháp chính là tấn công bằng nhiều cách như tạo thêm sản phẩm, mở rộng thị trường, gia tăng marketing… Trong trường hợp thứ 2, DN mạnh nhưng môi trường kinh doanh có rủi ro thì bắt buộc DN phải đa dạng hóa, tức là đầu tư ngoài ngành.

Tuy nhiên, đa dạng phải trong trị giá cốt lõi. “Lĩnh vực nào cũng có vua của nó, do đó DN chỉ nên kinh doanh bằng sở trường của mình. Nếu bạn có sở trường và làm bằng sở trường thì chỉ cần 1/3 cuộc đời cũng có thể thành ngôi sao trong lĩnh vực đó, còn theo lối đám đông thì may lắm cả đời cũng chỉ thành nhân vật trung bình trong lĩnh vực đó” - TS. Dương khuyến cáo các DN.

TS. Dương đã chỉ ra một số ví dụ DN thành công trong việc đầu tư đa ngành trong cốt lõi. Như công ty FPT, là bậc thầy về công nghệ, nên việc FPT mở trường đào tạo về công nghệ chính là phát triển trong lĩnh vực cốt lõi của họ. Hay như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là DN số 1 về xăng dầu, việc đầu tư vào ngành vận tải cũng chính là cốt lõi. “Lấy xăng của mình đổ vào xe mình để chạy kinh doanh, đó chính là cốt lõi”.

Trường hợp thứ 3, DN yếu nhưng môi trường kinh doanh đang có cơ hội, chiến lược lúc này chính là dựa vào một DN mạnh để chờ đợi cơ hội. Trường hợp cuối cùng cũng là trường hợp tệ nhất, đó là DN yếu kém nhưng môi trường lại có nguy cơ. Lúc này DN phải lui về phòng thủ, cắt giảm chi phí, gia tăng khuyến mãi…

Trong nhiều trường hợp, DN có thể kết hợp nhiều chiến lược cùng một lúc để tạo sự nhịp nhàng, hài hòa. Cùng với việc xây dựng chiến lược phù hợp, DN cũng cần chấp nhận rủi ro trong kinh doanh, tuy nhiên, phải dự báo trước để đảm bảo rủi ro nằm trong khả năng chịu đựng của DN.

Kinh tế 2014 sẽ đi ngang

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết, hiện dư nợ của tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế Việt Nam là 3 triệu tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2014, dư nợ sẽ tăng thêm 10 - 12%, tức 300.000 - 360.000 tỷ đồng, trong đó, sẽ có khoảng 240.000 - 300.000 tỷ đồng phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN.

Theo ông Thành, mặc dù vốn dồi dào, nhưng chênh lệch lãi suất cho vay giữa các đối tượng sẽ tiếp tục tồn tại và ở mức lớn. Lãi suất sẽ không tăng hoặc giảm, mà dao động từ 8 - 15%/năm. Nguyên nhân là do các ngân hàng có nợ xấu phải bán nợ xấu cho VAMC, nhưng thực chất là VAMC chỉ giữ hộ nợ xấu của ngân hàng trong 5 năm, và ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu này.

Vì vậy, các ngân hàng phải duy trì khoản lợi nhuận tương lai tương đối cao để bù đắp cho khoản trích lập này. Ông Thành cũng dự báo, năm 2014, rủi ro lạm phát vẫn còn nhưng khả năng không cao và ở thời điểm hiện tại rất khó để dự đoán trước tình hình kinh doanh khó dự đoán vì nền kinh tế không có cú hích nào đủ mạnh để xoay chuyển tình hình hiện nay.

TS. Lê Thẩm Dương cũng đánh giá, trong năm 2014 tỷ giá, lãi suất và giá vàng đã được chủ động kiểm soát. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiểm soát được lạm phát, kiều hối năm 2013 ước đạt mức 11 tỉ USD, lãi suất đã giảm và ổn định là những thông tin đáng mừng. Do đó DN nên có niềm tin nhất định vào chính sách để từ đó xây dựng chiến lược.

Theo TS. Dương, trong năm 2014 và 2015, đồ thị của nền kinh tế là đường nằm ngang. Vì vậy, DN nên áp dụng chiến lược phòng thủ, đồng thời cần xây dựng tính chủ động về nguồn vốn để sẵn sàng chớp thời cơ, kiểm soát tốt chi phí và tăng năng suất sản xuất.