Tìm lại sự năng động của nền kinh tế

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Muốn đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng "nghẽn mạch tăng trưởng", không thể không tìm lại những chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao hiệu quả của từng cột trụ doanh nghiệp (DN). Tín hiệu tốt là một bộ phận DN đã có tâm thế tích cực hơn, chủ động đối diện một năm mới hứa hẹn chưa hết khó.

Tìm lại sự năng động của nền kinh tế
Năm 2014 sẽ được coi là năm của việc đẩy mạnh tái cấu trúc DN. Nguồn: internet

Sáu năm khó khăn liên tục của nền kinh tế đã được phản ánh rõ nét trong bức tranh tổng thể của cộng đồng DN Việt Nam. Thống kê mới nhất cho thấy, đến nay, số DN đăng ký thành lập tăng nhưng vốn giảm (-15,4%), số DN đóng cửa vẫn tăng cao ở mức 11,3%.

Nhận xét về sức khỏe của DN Việt Nam giai đoạn này, PGS.,TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam không khỏi quan ngại với con số chỉ trong một quý, số DN đóng cửa tăng thêm hơn 17.000 DN. Lúc này đến lượt các DN vừa và lớn khó gắng gượng. Hơn lúc nào hết, năm 2014, sẽ được coi là năm của việc đẩy mạnh tái cấu trúc DN, điều chúng ta đã chưa làm được trong giai đoạn này.

Chia lại miếng bánh thị phần

Lần đầu tiên, Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) đã đặt các vấn đề thuộc về cải cách DN Nhà nước (DNNN) là trọng tâm trong cuộc đối thoại lớn nhất giữa cộng đồng DN với Chính phủ trong năm 2013.

Các vấn đề về quản trị, quản lý khu vực DNNN, thậm chí, câu chuyện về chia lĩnh vực công ích và kinh doanh hay những khó khăn trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa đã được các hiệp hội DN thảo luận, kiến nghị với đại diện các cơ quan Chính phủ tại Diễn đàn. Vẻ như, đã đến lúc khu vực DN tư nhân quyết tâm tham gia sâu vào những phần tưởng như là việc riêng của DNNN và chủ sở hữu nhà nước.

Người đứng đầu World Bank tại Việt Nam, bà Victoria KwaKwa nhìn nhận, xu thế phát triển của các DN nhỏ và vừa là tất yếu. Và DNNN sẽ phải thu hẹp thị phần, điều ấy cũng tạo sức ép không phải là ít đối với bộ phận DN vốn được nhiều ưu ái này. Nhưng tiến trình này xảy ra nhanh hay chậm, thuận lợi hay không lại không chỉ tùy thuộc vào đội ngũ DN nhỏ và vừa mà tùy thuộc nhiều vào tiến trình cải cách của DNNN.

"Việc tạo một sân chơi bình đẳng cho các loại hình DN chính là thúc đẩy từng DN chuyển dịch, tạo nên sự phát triển chung cho nền kinh tế”, ông Alain Cany, đồng chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) bày tỏ quan điểm.

Hơn 10 năm làm việc ở Việt Nam, Alain Cany là người hiểu về kinh tế Việt Nam với những kế hoạch và lộ trình tái cơ cấu. Ông cũng là người nắm rõ mối quan hệ khá mật thiết giữa khu vực DNNN và hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam cũng như con số nợ phải trả khổng lồ của khu vực DNNN (lên tới 1.348.752 tỉ đồng tính tới cuối năm 2012).

Đây là lý do ông Alain Cany cho rằng, kết quả đang được ghi nhận là rất tích cực của kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại rất có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi tiến độ khá chậm chạp trong tái cơ cấu DNNN. Có một điều khá thú vị khi các chuyên gia nước ngoài từ WB hay VBF lại có niềm tin, Việt Nam sẽ đạt được kỳ tích tăng tăng trưởng GDP trở lại mức 7% nếu đẩy mạnh cải cách tái cấu trúc nền kinh tế và khối DNNN.

Yêu cầu tìm lại sự năng động của nền kinh tế Việt Nam mà ông Alain Cany nêu ra cũng khiến người ta phải đặt câu hỏi vì kiến nghị này xuất phát từ các DN FDI, khu vực DN đang được đánh giá là năng động nhất, ít chịu tác động nhất từ những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2011 trở lại đây. Rõ ràng, sự sốt ruột của khu vực FDI cho thấy, về sâu sa, động lực tăng trưởng từ bánh xe FDI của nền kinh tế Việt Nam chưa thật sự bền vững.

Và sự vận động nội tại

Thực ra câu chuyện tái cấu trúc cũng đang đốt nóng ngay chính những DNNN khi mà những kiến nghị về thay đổi căn bản trong quy định thoái vốn, được nhóm DN này đưa ra nhiều hơn với mong muốn thu nhanh về ngành cốt lõi, gây dựng lại hình ảnh trong khi hội nhập kinh tế, nhất là khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP đang trong những vòng đàm phán cuối cùng, cơ hội đón nhận sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia đang hoạt động tại các nước không phải là thành viên của TPP, cụ thể là Trung Quốc, đang mở ra mạnh mẽ với Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cũng chia sẻ góc nhìn này khi cho rằng, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành phải được coi như giải pháp sử dụng cơ chế thị trường để phân bố lại nguồn lực, làm sống lại một bộ phần nguồn lực hiện đang “chết” trong sự quản lý của các tập đoàn, tổng công ty, đưa chúng quay trở lại sản xuất. Đó là câu chuyện của các DNNN. Còn đối với các DN tư nhân, họ cũng không khoanh tay ngồi chờ đến lượt mình giải thể hay chờ cơ hội từ việc chia sẻ miếng bánh thị trường của DNNN.

Trong khó khăn, vẫn ghi nhận một bộ phận không nhỏ DN đã có bước chuyển mình thích hợp, tái cơ cấu để tăng thêm sức mạnh. Vốn là người gắn bó lâu năm với cộng đồng DN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI, không khỏi vui mừng khi chia sẻ về sự thay đổi mạnh mẽ của các DN ở nhiều vùng miền của đất nước.

"Tôi nhìn thấy ý chí và quyết tâm thay đổi của các doanh nhân Việt Nam đang vô cùng mạnh mẽ. Khi tôi tiếp xúc với các DN dệt may của TP. Hồ Chí Minh, họ bàn về cách thức để phát triển, để thay đổi khi TPP được ký kết dự kiến vào cuối năm nay. Cho dù việc tận dụng cơ hội của TPP là vô cùng khó khăn, song tôi tin khi chính các doanh nhân nói rằng, họ đã làm gia công hơn 20 năm nay, và như vậy là quá đủ”, bà Chi Lan lý giải về niềm tin của mình.

Đây là điểm có thể coi là khác biệt cơ bản so với 8 năm trước, khi Việt Nam đứng trước thềm của Tổ chức Thương mại Thế giới. Bây giờ, các doanh nhân nói đến yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư để họ có thể thay đổi quản trị, thay đổi cách thức kinh doanh.

Dĩ nhiên, động lực tự thân của DN sẽ không đủ để tạo nên bước chuyển mạnh về chất trong năng lực cạnh tranh của cả cộng đồng DN. Song khi từng DN chuyển động theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế, cơ hội bắt tay một cách bình đẳng với DN nước ngoài tăng lên. Chỉ khi đó, DN Việt Nam mới có được nền tảng để phát triển vững vàng, để tự tin bước chân vào hội nhập trong một sân chơi khắc nghiệt, chưa từng có tiền lệ như TPP.