Tìm “thuốc đặc trị” “cứu” doanh nghiệp

Theo dddn.com.vn

“Cục” tồn kho đang nằm đấy, vay vốn chẳng để làm gì. Vấn đề lúc này là lòng tin vào thị trường, đối tác, chính sách.

Tìm “thuốc đặc trị” “cứu” doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần một chính sách ổn định, phản ánh đúng tình hình và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nguồn: dddn.com.vn
Khó chứng minh khả năng trả nợ

Đây là nhận định của ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh.

Sau nhiều năm cầm cự do kinh tế khó khăn, áp lực về vốn của doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại vẫn chưa nới lỏng điều kiện vay, doanh nghiệp kinh doanh đang trong thời khó khăn lại càng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nút thắt lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp khó chứng minh khả năng trả nợ.

Theo ông Hưng, kinh tế khó khăn, đầu ra sản phẩm bị ách tắc, hàng tồn kho nhiều. Nếu tiếp tục sản xuất thì chưa chắc tiêu thụ được. Nếu ngưng sản xuất thì đồng nghĩa với việc ngừng hoạt động. “Doanh nghiệp làm sao chứng minh với ngân hàng khả năng trả nợ khi nộp hồ sơ xin vay?”, ông Hưng đặt câu hỏi.

Trong khi đó, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Doanh nghiệp (Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, doanh nghiệp càng khó khăn thì lại muốn vay bằng mọi giá. Đây là nguyên nhân khiến họ không đủ điều kiện được vay.

Vốn không phải là “cứu cánh”

TS. Lê Thẩm Dương, một chuyên gia kinh tế, cho rằng, “cục” tồn kho đang nằm đấy thì vay cũng chẳng để làm gì. “Vấn đề là cầu, là thị trường chứ không phải là vốn”, TS. Dương nhận định.

Không thể phủ nhận, nhiều doanh nghiệp rất cần vay vốn. Tuy nhiên, thay vì vay để “đẩy” vào sản xuất thì không ít doanh nghiệp vay chỉ để gỡ cái nợ. Tức là vay để trả cái khoản vay trước chứ không phải để thực hiện một phương án kinh doanh.

Hiện về phía ngân hàng đang vướng “cục” nợ xấu, về phía doanh nghiệp thì vướng “cục” tồn kho. Nếu “thả” điều kiện vay, ngân hàng đứng trước nguy cơ “cục” nợ xấu phình to. Theo TS. Lê Thẩm Dương, khoản tín dụng cho vay không hiệu quả không chỉ làm “chết” nền kinh tế mà cả ngân hàng và doanh nghiệp đều chịu chung số phận.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp phải giải quyết “cục” tồn kho trước rồi hãy tính đến chuyện vay vốn.

Theo TS. Lê Thẩm Dương, một doanh nghiệp bất kể nhỏ, siêu nhỏ, vừa hay lớn cũng vậy, để tồn tại trong thị trường cạnh tranh đâu phải chỉ lệ thuộc có vốn, mà lệ thuộc vào toàn bộ bối cảnh của nền kinh tế, lệ thuộc vào thị trường mà doanh nghiệp chiếm giữ, lệ thuộc vào năng lực quản trị, lệ thuộc vào con người…

Thực tế, theo một điều tra, số doanh nghiệp vừa và nhỏ “lăn ra” chết nguyên nhân đầu tiên nằm ở năng lực quản trị, nguyên nhân thứ hai là địa điểm kinh doanh, nguyên nhân thứ ba mới là vốn. “Vốn chưa hẳn là yếu tố quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp”, TS. Dương khẳng định.

Đồng tình với TS. Dương, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của việc doanh nghiệp gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, thu hẹp sản xuất, phá sản… chính là do năng lực cạnh tranh và bối cảnh nền kinh tế còn yếu. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa phát huy được tác dụng hoặc tác dụng quá chậm.

Vấn đề lòng tin

Trước tình hình kinh tế khó khăn, phức tạp như hiện nay, hầu như các doanh nghiệp không còn niềm tin vào thị trường, đối tác. Ông Huỳnh Văn Minh cho rằng, do thiếu niềm tin nên doanh nghiệp không dám hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất mà chỉ hoạt động cầm chừng hoặc tìm cách bảo toàn vốn.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí MinhM, ông Huỳnh Văn Minh cũng nhận định rằng, nhiều doanh nghiệp chưa đặt niềm tin vào các chính sách của nhà nước mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như Nghị quyết 13/2012; Nghị quyết 02/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Các chính sách trên đã được doanh nghiệp kỳ vọng, nhưng không dễ dàng đi vào cuộc sống. Rõ ràng, cách xác định doanh nghiệp được hỗ trợ (tức cách xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ) không phù hợp với thực tế, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ “bỗng dưng” trở thành doanh nghiệp lớn và tất nhiên bị gạt ra ngoài danh sách hỗ trợ.

Mới nhất là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho ngành bất động sản. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thật sự đi vào thực tế. Hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được mà vẫn đang “dài cổ” chờ “duyệt”.

“Vì các chính sách của chúng ta hiện nay chỉ mang tính tạm thời, ngắn hạn, chưa thể giải quyết được các vấn đề tồn đọng”, ông Huỳnh Văn Minh nhìn nhận.

Theo ông Minh, vấn đề lòng tin luôn đi liền với chính sách. “Doanh nghiệp cần một chính sách ổn định, lâu dài, phản ánh đúng tình hình doanh nghiệp và phải nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nếu làm được điều này, chắc chắn sẽ kích được thị trường, kích sức mua, doanh nghiệp sẽ giải quyết được hàng tồn. Qua đó sẽ phá vỡ “cục máu đông” của nền kinh tế”.