Tín hiệu lạc quan từ số lượng doanh nghiệp “tái sinh”

Theo tapchithue.com.vn

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2016, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới cũng như quay trở lại hoạt động đều ở mức tăng. Tín hiệu này đã cho thấy những triển vọng lạc quan hơn về tình hình hoạt động SXKD của DN trên cả nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cụ thể, trong tháng 4 năm 2016, cả nước đã có 10.954 DN được thành lập mới, với số vốn đăng ký là 62.232 tỷ đồng, tăng 11,1% về số DN và giảm 14,7% về số vốn đăng ký so với tháng 3/2016. Theo đó, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/DN trong tháng 4/2016 đạt 5,7 tỷ đồng, giảm 23,2% so với tháng trước.

Điều đáng lưu ý là, trong 4 tháng đầu năm, số DN thành lập mới tập trung nhiều nhất ở loại hình công ty TNHH 1 thành viên với 18.700 DN, tiếp đến là loại hình công ty TNHH 2 thành viên là 8.835 DN. Trong khi đó, loại hình công ty cổ phần thành lập mới chỉ có 5.654 DN và loại hình DN tư nhân đạt thấp nhất 1.528 DN.

Về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân, trong 4 tháng đầu năm 2016, loại hình công ty cổ phần giữ vị trí cao với 19,4 tỷ đồng/DN; tiếp đến là công ty TNHH 2 thành viên 6,6 tỷ đồng/DN, trong khi loại hình công ty TNHH 1 thành viên 4,1 tỷ đồng/DN. So với cùng kỳ năm 2015, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân/DN của tất cả các loại hình DN đều tăng.

Theo thống kê, số ngành có tỷ lệ vốn đăng ký tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: kinh doanh bất động sản tăng 341,4%; hoạt động dịch vụ khác tăng 202,9%; sản xuất phân phối điện, nước, ga tăng 131,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 124,8%; thông tin và truyền thông tăng 121,2%. Ngược lại các ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí vốn đăng ký giảm 49,8%; dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 34%; xây dựng giảm 15,4% và khai khoáng giảm 9,8%.

Ở chỉ số khác, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, số DN quay trở lại hoạt động (DN tái sinh) trong 4 tháng đầu năm 2016 là 11.331 đơn vị, tăng tới 79,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, số lượng DN quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2016 đã tăng ở tất cả các vùng, trong đó vùng đồng bằng Sông Cửu Long có số DN quay trở lại hoạt động cao nhất là 1.469 DN, tăng 135%; tiếp đó là vùng Đông Nam Bộ với 4.523 DN, tăng 102%; đồng bằng Sông Hồng với 2.822 DN, tăng 65,3%.

Theo Ths Nguyễn Anh Dương – Phó ban chính sách vĩ mô – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong Quý I và 4 tháng đầu năm 2016, số DN đánh giá tình hình SXKD khả quan hơn quý IV/2015 đã tăng lên. Theo đó có 27,1% số DN phản ánh gặp khó khăn, trong khi 43,7% cho rằng tình hình SXKD ổn định và có 53,3% số DN nhận định xu hướng sẽ tốt lên. Khảo sát của CIEM cũng cho thấy, đánh giá của DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo về khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng, đơn hàng xuất khẩu, chi phí sản xuất, giá bán sản phẩm, tồn kho sản phẩm và sử dụng lao động đều cho thấy sự lạc quan

Theo ông Dương, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của DN, Chính phủ cần ban hành một nghị quyết mới, tiếp nối tinh thần Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo lộ trình cho 3-5 năm tới.

Nghị quyết này cần có tính toàn diện, với cơ chế đánh giá và phân định trách nhiệm rõ ràng, khả thi. Bên cạnh đó cần tiếp tục hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật DN; kiên quyết cụ thể hóa tư duy không hạn chế quyền tự do kinh doanh (khi không có quy định cấm của pháp luật) bằng việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, các điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền; đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh còn lại.

Về lâu dài, Chính phủ cần tiếp tục rà soát và xây dựng lộ trình giảm dần các đối xử mang tính phân biệt liên quan đến tiếp cận đất đai, tín dụng, mua sắm công… có thể ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN tư nhân và DN Nhà nước.