Tinh thần doanh nhân: “Nhiên liệu” của tăng trưởng

Theo Thanh Loan/thoibaokinhdoanh.vn

Doanh nghiệp của các doanh nhân là nơi mà công nghệ, kết hợp với trí tuệ và sức lao động sẽ tạo ra giá trị mới cho xã hội. Do vậy, chỉ khi doanh nghiệp phát triển mới tạo ra sự tăng trưởng. Phải thấy rằng tinh thần doanh nhân chính là “nhiên liệu” của tăng trưởng để đưa “năng lượng” và những điều đóng góp lớn lao cho nền kinh tế Việt Nam trong hội nhập.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn dành sự quan tâm lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Nguồn: internet
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn dành sự quan tâm lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Nguồn: internet

Ngay sau khi nhậm chức, vào tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp (DN) cả nước với chủ đề “Doanh Nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế đất nước”. Đến tháng 5/2017, Thủ tướng tiếp tục có cuộc đối thoại lớn với giới DN với chủ đề “Đồng hành cùng DN”.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 9/2017 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời 14 chủ tập đoàn kinh tế tư nhân ở trong nước đến đối thoại nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN khối tư nhân, cũng như lắng nghe những đề xuất chính sách.

Tạo giá trị mới cho xã hội

Đây là những sự khẳng định mạnh mẽ của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN. Đồng thời, còn thể hiện sự đồng hành, sát cánh của Chính phủ, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thời gian qua, có thể thấy Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp như chỉ đạo rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.

Tất cả những điều này đã, đang và sẽ tạo động lực lớn để khơi gợi tinh thần doanh nhân và sự phát triển DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân khi môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Thiết nghĩ, bàn về chủ đề này nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) là chuyện nên làm.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, doanh nhân Nguyễn Thái Điệp ví von rằng tinh thần doanh nhân chính là “nhiên liệu” của tăng trưởng, để đưa năng lượng của mình và những đóng góp lớn lao cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

“Chúng ta biết rằng DN là nơi mà công nghệ, kết hợp với trí tuệ và sức lao động sẽ tạo ra giá trị mới cho xã hội. Do vậy, chỉ khi DN phát triển mới tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thuận lợi để DN sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ ngày một tăng lên, tạo điều kiện cho sự sáng tạo, sự cạnh tranh lành mạnh của cộng đồng DN và cho sự phát triển của toàn xã hội” – ông Nguyễn Thái Điệp bộc bạch.

Có lẽ, trong không khí của Ngày Doanh nhân, cũng nên lưu tâm về băn khoăn mới đây của Chủ tịch Hội Nữ DN Nhỏ và Vừa thành phố Hà Nội Mai Thị Thùy, được hãng tin BBC trích dẫn lại tại hội thảo trong khuôn khổ APEC về tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các DN nhỏ và vừa thông qua thương mại điện tử (e-commerce). Đại ý của bà Thuỳ là hội viên của hội này “thiếu nhiều thứ”.

Theo lời bà Thuỳ, “chúng tôi thiếu về cơ hội kết nối internet, trình độ sử dụng thương mại điện tử và thiếu vốn; khuôn khổ chính sách cũng đang thiếu cho doanh nghiệp do nữ làm chủ”. Bà cũng mô tả điều bà gọi là ở Việt Nam vẫn còn sự “phân biệt đối xử” giữa DN nam và DN nữ cũng như DN lớn và DN nhỏ.

“Nhiều hội viên của chúng tôi trong tổng số khoảng 1.000 hội viên là các DN thuộc làng nghề truyền thống, là các DN rất nhỏ và gặp phải những khó khăn này” – bà Thuỳ bày tỏ.

Từ vấn đề băn khoăn của vị lãnh đạo một hội DN, nên nhớ rằng bài học có ý nghĩa quan trọng của các nước công nghiệp phát triển là toàn xã hội tạo môi trường thuận lợi để phát huy tinh thần DN.

Mọi DN đều được bình đẳng cùng phát triển dù là DN của Nhà nước hay DN của tư nhân, dù là DN lớn hay DN nhỏ. Sức sáng tạo của DN, doanh nhân mới là tiêu chí đánh giá đẳng cấp giữa các DN.

Tư duy mới, tầm nhìn mới

Theo doanh nhân Nguyễn Thái Điệp, chúng ta vẫn đang nói nhiều tới Quốc gia khởi nghiệp nhưng có hay không một cơ hội thực sự để biến Việt Nam chúng ta thành một “Israel” hay một “Singapore” trong tương lai? Chúng ta đang thiếu và yếu điều gì?

Thống kê mới đây cho thấy hiện có khoảng hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam nhưng mới chỉ dưới dạng văn phòng đại diện chứ chưa có sự hiện diện chắc chắn, chưa thành lập quỹ tại Việt Nam.

Ngược lại, tuy phát triển nhanh nhưng sự thật, đa số các hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn diễn ra một cách tự phát, chưa có hệ thống và sự kết nối chặt chẽ. Thậm chí có ý kiến cho rằng nhiều hoạt động, sự kiện chỉ mang tính “phong trào” mà chưa thực sự giúp ích được hoạt động của các DN khởi nghiệp.

Cũng nên nhắc lại, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi năm ngoái, khi đến TP. Hồ Chí Minh và giao lưu với các thanh niên khởi nghiệp, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có nói ông đã và đang chứng kiến tinh thần doanh nhân của giới trẻ tại TP. Hồ Chí Minh và cả Việt Nam. Sức mạnh của sự tăng trưởng là nằm ở đây.

“Từ đó, tôi đã nhìn thấy rất nhiều DN trẻ ấn tượng tại Việt Nam. Chính các bạn sẽ là đối tượng định hình tương lai của đất nước”.

Lưu ý về tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam, ông Obama có nói các bạn trẻ cần phải có một tư duy và tầm nhìn rộng lớn mang tính quốc tế, chứ đừng nhìn hạn hẹp trong biên giới quốc gia mình.

Có thể nói, đây là những lời khuyên rất hữu ích cho giới trẻ khởi nghiệp nói riêng và cho giới doanh nhân nói chung. Với tư duy mới, các doanh nhân cần phải chuyển cách suy nghĩ từ “ai thắng ai” sang “hai bên cùng thắng”.

Cũng với tư duy mới, các doanh nhân sẽ có thể hợp tác với những doanh nhân đủ mọi sắc tộc màu da, sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, có tôn giáo và văn hoá khác nhau.

Và nhất thiết, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nhân cần phải tự trang bị cho mình năng lực giao tiếp, ngoại ngữ, chuẩn bị giao tiếp qua nhiều nền tảng văn hóa trong các cuộc đàm phán và cho từng hợp đồng ở các lãnh vực để không bị thất bại vì “gót chân Achille”!.