Tồn kho tăng cao, doanh nghiệp mía đường “sống dở, chết dở”

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Nhu cầu thị trường giảm, sự cạnh tranh gay gắt của đường ngoại, đường lậu lan tràn là những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp mía đường “sống dở, chết dở” trong thời gian vừa qua.

Tồn kho tăng cao, doanh nghiệp mía đường “sống dở, chết dở”
Một trong những nguyên nhân khiến hàng tồn kho tăng cao là xuất khẩu khó khăn vì nguồn cung dồi dào từ một số thị trường lớn như: Brasil, Ấn Độ. Nguồn: internet

Tồn kho tăng cao

Trong niên vụ mía đường 2013-2014 vừa qua, sản lượng đường của cả nước đạt 1,6 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Song, lượng đường tồn kho cũng cao gấp mấy lần năm trước.

Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), tính đến ngày 15-9, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 280.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 58.690 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ ngày 15-8 đến ngày 15-9 là 92.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 10.000 tấn.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty mía đường Cần Thơ (CASUCO), kiêm Giám đốc đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết, mấy năm trước, khi sắp vào vụ thu mua mía thì đường trong kho sắp cạn. Tuy nhiên, năm nay, lượng đường cũ vẫn tồn kho 5.000 tấn. Từ giữa tháng 9 đến ngày 2/10, sau hơn 2 tuần, hai nhà máy của công ty sản xuất ra thêm 6.000 tấn, trong khi chỉ bán ra được 2.000 tấn.

Một trong những nguyên nhân khiến hàng tồn kho tăng cao là xuất khẩu khó khăn vì nguồn cung dồi dào từ một số thị trường lớn, như: Brasil, Ấn Độ... trong khi nhu cầu thế giới về đường giảm.

Trong thời gian qua, lượng đường xuất khẩu sang một số thị trưởng không ổn định. Đơn cử như: trong tháng 5, đường xuất sang Trung Quốc chỉ đạt kim ngạch 16,24 triệu USD, tăng 3,44% so với tháng 4, nhưng lại giảm tới 25,76% so với tháng 5/2013. Đặc biệt, trong tuần cuối của tháng 6, việc xuất khẩu đường do các nhà máy trong nước sản xuất, sang bên kia biên giới phía Bắc qua cửa khẩu phụ đã bị ngưng lại do Trung Quốc cấm biên. Sang tháng 7 và tháng 8, đường Việt Nam đã được xuất sang Trung Quốc trở lại, nhưng rất khó khăn.

Không dừng lại ở việc cạnh tranh trên thị trường thế giới, doanh nghiệp mía đường nội còn phải cạnh tranh trên chính sân nhà của mình do việc đường nhập khẩu ồ ạt và tình trạng buôn lậu đường từ Lào, Campuchia, Thái Lan... khiến không ít doanh nghiệp sản xuất mía đường nội địa “đau đầu”.

Minh chứng rõ nhất của sự ảnh hưởng này đó là, trước đây lượng tiêu thụ của các nhà máy đường trên cả nước đạt khoảng 130.000-140.000 tấn/tháng thì nay chỉ còn khoảng 50.000-60.000 tấn, đạt cao mới lên 80.000-90.000 tấn. Phần còn lại bị đường nhập lậu chiếm thị phần.

Cần phải làm gì?

Khó khăn đối với ngành mía đường sẽ càng chồng chất khi theo lộ trình hội nhập AFTA (Khu vực mậu dịch tự do Asean) đến năm 2015, thuế suất ngành đường trong khối Asean sẽ không còn nên đường ngoại sẽ tự do vào nước ta.

Trước những khó khăn thách thức kể trên, cần thẳng thắn thấy rằng, đã đến lúc các nhà máy đường và các doanh nghiệp phải cạnh tranh sòng phẳng giữa "sân chơi" kinh tế thị trường. Nhà máy, công ty nào mạnh, tìm ra hướng đi mới bền vững sẽ tồn tại và nhà máy, công ty nào yếu không đủ sức cạnh tranh ắt sẽ bị "đào thải".

Tại hội nghị Tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2013 – 2014 tổ chức ngày 24/7 tại thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn , ông Lê Văn Tam chia sẻ, mặc dù ngành mía đường đã có những bước phát triển, nhưng chúng ta cũng cần nhìn lại xem mình đang đứng ở đâu? Phải thừa nhận rằng, sản xuất của chúng ta còn nhỏ lẻ, manh mún khiến cho giá mía và giá đường luôn ở mức cao. Các nhà máy đường cần phải tính toán để giảm giá mía xuống còn 400 đến 500 nghìn đồng/tấn mà người nông dân vẫn có lãi ổn định. Lúc đó, chúng ta mới có thể tự tin để cạnh tranh. Bên cạnh đó, ngành cần tính đến việc tận dụng phế phẩm trong sản xuất để làm ra điện và các sản phẩm sinh học khác nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị kinh tế cho cây mía.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vũ Văn Tám cho biết, trong thời gian tới, ngành cần thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, cụ thể là: điều tra, đánh giá lại toàn bộ các khâu từ quy hoạch đất trồng mía sao cho phù hợp thổ nhưỡng của từng vùng cho đến cơ giới hóa... Rà soát tất cả các yếu tố để có thể giảm giá thành, kể cả trong chế biến và tiêu thụ. Ngoài ra, cần chuyển một số diện tích kém hiệu quả, khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại các mô hình tập thể, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất cần chặt chẽ hơn. Trong năm 2014, ngành cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về mía đường...