TP. Hồ Chí Minh sẽ không "khát" nhân sự sau Tết Nguyên đán

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Theo dự báo, sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán 2014 được cho là sẽ không diễn ra ở mức độ cao như năm trước. Mức thiếu hụt bình quân khoảng dưới 5%, đối với các doanh nghiệp (DN) quy mô vừa và nhỏ mức thiếu hụt khoảng 6 - 10%.

TP. Hồ Chí Minh sẽ không "khát" nhân sự sau Tết Nguyên đán
Số lượng tuyển dụng năm 2013 giảm ở tất cả các ngành nghề và tất cả mọi trình độ. Nguồn: internet

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2013, do nhiều DN thực hiện tái cấu trúc bộ máy nhân sự nên đã dẫn đến tình trạng giảm việc làm đối với các lao động có trình độ chuyên môn trên địa bàn.
Sinh viên tài chính - ngân hàng dễ thất nghiệp
 
Giai đoạn 6 tháng cuối năm, nền kinh tế phát triển ổn định tác động tích cực đến thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của DN tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng 6,2% so 6 tháng đầu năm 2013. Nhu cầu nguồn lao động thời vụ tăng vào thời điểm cuối năm. Một số nhóm ngành nghề có nhu cầu nhiều về số lượng lao động thời vụ như bán hàng, marketing, dịch vụ phục vụ và lao động giúp việc gia đình...

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm cho biết, cuối năm, các DN trong những ngành nghề như tài chính - ngân hàng, kinh doanh bất động sản, kế toán, bưu chính viễn thông... vẫn tiếp tục việc tái cấu trúc bộ máy nhân sự và xu hướng tuyển dụng với yêu cầu gay gắt hơn khiến nhu cầu tuyển dụng giảm về số lượng và tăng về chất lượng.

Tình trạng sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường, nhất là các sinh viên từ các tỉnh, thành phố khác không tìm được việc làm hoặc khó tìm được việc làm tại TP. Hồ Chí Minh rất phổ biến, khoảng 60% sinh viên thuộc các nhóm ngành tài chính - ngân hàng ra trường khó tìm được việc làm và làm ngành nghề khác.

Do là ngành nghề có số lượng DN tái cấu trúc bộ máy nhân sự nhiều nhất, vì vậy tỷ lệ lao động mất việc làm trong ngành tài chính - ngân hàng tăng so năm 2012. Nhu cầu tuyển dụng ở ngành này đã giảm 32,34% so năm 2012, trong khi nhu cầu tìm việc không giảm, điều này tạo sự cạnh tranh gay gắt về việc làm đối với người lao động.

Tuy vậy nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục việc tuyển dụng mới nhân sự với nhu cầu chủ yếu tại những nhân sự có chuyên môn giỏi. Năm 2013, nhu cầu tuyển dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố khoảng 5.000 người, trong đó chỉ 50% chỉ tiêu tuyển dụng ưu tiên thu hút đối với sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, song lại yêu cầu cao về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm.

Số lượng tuyển dụng giảm ở tất cả các ngành nghề và tất cả mọi trình độ

Nhìn chung, so với năm 2012, nhu cầu tuyển dụng nhân lực năm 2013 đã giảm tới 14,26%. Số lượng tuyển dụng giảm ở tất cả các ngành nghề và tất cả mọi trình độ.

Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo giảm 34,1% về số lượng chỗ làm việc so năm 2012, chủ yếu các nhóm ngành nghề như dệt may - giày da, chế biến thực phẩm, cơ khí... 

Trong đó, ngành dệt may - da giày tuy vẫn thường xuyên thiếu hụt, biến động lao động nhưng không tuyển dụng số lượng lao động nhiều như mọi năm mà chủ yếu tập trung ổn định đội ngũ lao động đang làm việc.

Phân tích kết quả khảo sát tại 2.576 DN vào quý IV năm nay tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, mức lương bình quân của lao động phổ thông, sơ cấp nghề khoảng 2,5 - 5 triệu đồng/tháng. 

Mức lương bình quân lao động chuyên môn nghiệp vụ, nhân viên hành chính vào khoảng từ 5 - 8 triệu đồng/tháng; nhân viên; nhân viên làm quản lý - lãnh đạo có mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng.

Dự báo, trong quý I/2014, nhu cầu nhân lực thời vụ cho hoạt động dịch vụ - phục vụ, bán hàng sẽ tăng cao. Sẽ có khoảng 55.000 chỗ làm việc trống trong khoảng thời gian này với khoảng 15% nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, 40% nhu cầu lao động phổ thông. 

Sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán 2014 được cho là sẽ không diễn ra ở mức độ cao như năm trước. Dự kiến mức thiếu hụt bình quân khoảng dưới 5%, đối với các DN quy mô vừa và nhỏ mức thiếu hụt khoảng 6 - 10%.