TPP và bài toán năng suất lao động của doanh nghiệp dệt may

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đều hiểu rằng, khi hiệp định TPP được ký kết, các nước tham gia hiệp định sẽ dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu về 0%. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó, các doanh nghiệp sản xuất nói chung và dệt may nói riêng còn đối diện với nhiều khó khăn trước thềm TPP, trong đó có vấn đề năng suất lao động.

TPP và bài toán năng suất lao động của doanh nghiệp dệt may
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Rõ ràng khi TPP được ký kết, nhiều dòng hàng đang xuất khẩu vào Mỹ, Nhật và các nước tham gia TPP đang có kim ngạch lớn, thuế  nhập khẩu cao (từ 5 – 20%) như dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy sản … sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng kim nghạch xuất khẩu và cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh nếu đáp ứng để vượt qua được những yêu cầu của hiệp định và những rào cản kỹ thuật mà các nước đang dựng lên để bảo vệ sản xuất của các ngành hàng tương ứng trong nước họ.

Ví dụ, ngành dệt may hiện nay với kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD/ năm, trong đó xuất khẩu vào các nước tham gia TPP khoảng 12 tỷ USD,  với thuế suất nhập khẩu vào các nước bình quân hiện nay khoảng 15%... hàng dệt may Việt Nam đang phải nộp 1,8 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu mỗi năm (tương ứng bằng 1% GDP của cả nước. Tuy nhiên, nếu thuế nhập khẩu được giảm về 0% thì các doanh nghiệp dệt may cũng sẽ được “chia” một phần trong giá trị tiền thuế được giảm. Giá trị tăng thêm đó, không những  góp phần cải thiện  hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN, nâng cao đời sống của người lao động mà còn là cơ hội để thị phần hàng dệt may Việt Nam tại các nước này tăng thêm, tạo thêm hàng triệu việc làm cho người lao động trong tương lai. Cũng bởi vậy mà chúng ta đều mong TPP sớm được ký kết.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà chúng ta sẽ được hưởng nếu chúng ta đáp ứng được các điều kiện của các nước tham gia TPP và vượt qua được các rào cản kỹ thuật mà các nước đang dựng lên để ngăn trở hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào nước, các doanh nghiệp dệt may cũng đang đối mặt với những rào cản chúng ta đang tự dựng lên để  làm khó các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Chẳng hạn, hiện nay vấn đề năng suất lao động của Việt Nam đang bị xem là thấp, trong khi tiền lương tối thiểu liên tục tăng, thời gian cho phép làm thêm giờ quá ít đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ đóng cửa nhà máy.

Theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế  ILO thì năng suất lao động bình quân chung  tại Việt Nam rất thấp nếu so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 30% của Malaisia, 40% của Thái Lan. Thực tế ở ngành dệt may Việt Nam, năng suất lao động bình quân (tính trên giá gia công) tuy có cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng cũng mới chỉ đạt 1,5 USD/ giờ (bằng 50% năng suất bình quân ngành may Thái Lan và Indonesia). Người lao động làm ra 312 USD/ tháng, nếu trừ các chi phí trong sản xuất, quản lý, bảo hiểm xã hội,  kinh phí công đoàn, phí lưu thông… thì chỉ còn khoảng 52% để trả lương cho người lao động, tương đương khoảng 3,4 triệu đồng/tháng

Những doanh nghiệp có năng suất thấp hơn mức bình quân chung thì tiền lương còn thấp hơn nhiều. Theo thống kê của công đoàn ngành dệt may Việt Nam, thu nhập của công nhân may năm 2013 bình quân cả nước đạt khoảng 3,2 triệu đồng/người/tháng. Nếu trừ các khoản bảo hiểm, ăn ca, công đoàn phí … thì hàng tháng người công nhân ở nhiều khu công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội chỉ thu về chưa được 2,5 triệu đồng/tháng. Rõ ràng, mức lương thấp, không phải do chủ doanh nghiệp đã bóc lột người lao động, mà do năng suất lao động còn quá thấp.

Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, chuyển sản xuất sang Myanmar, Campuchia… Một số phải vận động người lao động làm thêm giờ (tăng hơn so với luật cho phép) để tồn tại doanh nghiệp và cải thiện thu nhập cho người lao động. Thực tế, nhiều doanh nghiệp phải làm thêm bình quân 2 giờ/ngày trong cả năm nhưng đổi lại mức tiền lương của người lao động đã được trên 5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, rõ ràng nhu cầu làm thêm giờ là nhu cầu cần thiết để tồn tại của cả doanh nghiệp và người lao động.

Trong nhiều hội nghị hội nghị bàn về năng suất lao động, về mức tăng lương tối thiểu hàng năm do VCCI tổ chức, nhiều hiệp hội ngành hàng như dệt may, da giầy…đều kiến nghị cần sửa đổi Bộ luật lao động về thời gian làm thêm giờ được phép tăng lên là 60 giờ/tháng  như Nhật Bản để thời gian làm thêm giờ có thể bù cho năng suất lao động đang còn quá thấp, bù cho những chi phí liên tục tăng và cải thiện thu nhập cho người lao động.

Thiết nghĩ, việc điều chỉnh thời gian làm thêm giờ không chỉ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh mà doanh nghiệp sẽ không trở thành đơn vị vi phạm Bộ luật lao động. Trong nhiều năm qua  khách hàng đã căn cứ Bộ luật lao động của Việt Nam (quy định về thời gian làm thêm giờ quá ít) để loại nhiều doanh nghiệp vi phạm ra khỏi danh sách những đơn vị được phép làm hàng xuất khẩu cho những thương hiệu lớn trên thế giới, đẩy họ vào nguy cơ bị đóng cửa nhà máy. Ngoài ra các vấn đề về tỉ giá, giá thuê đất hay các khoản phí bất hợp lý đã làm tăng nhiều chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng sớm có những thay đổi phù hợp,  kịp thời  giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội để cạnh tranh và phát triển bền vững.