Tránh lợi ích nhóm, tiêu cực trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

PV.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 diễn ra ngày 3/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm nay khác với mọi năm ở chỗ tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là phải thực hiện quyết liệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiện nay, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% nhưng phần vốn nhà nước bán ra rất thấp (chỉ đạt 8%), như vậy là hoàn toàn tỷ lệ ngược với số doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Từ tinh thần đó, về nguyên tắc sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán, đây là yêu cầu bắt buộc. Nếu doanh nghiệp cổ phần hóa không lên sàn thì yêu cầu các cơ quan bộ, ngành xem xét đánh giá người đứng đầu tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Đối với những doanh nghiệp nhà nước cần nắm giữ phần vốn nhà nước, những doanh nghiệp chủ đạo của nền kinh tế, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng có thể bán cả lô, bán cả gói cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần công khai, minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước phải đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, tránh thất thoát, tránh lợi ích nhóm, tránh tiêu cực.

Thủ tướng đã thành lập một Ban Chỉ đạo và trực tiếp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo việc này. Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ đều bàn, đưa ra vấn đề tiến độ cổ phần hóa, bán cổ phần vốn của Nhà nước nắm giữ.