Triển khai kế toán quản trị chi phí: Thực tiễn tại doanh nghiệp sản xuất xi măng

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017

Kế toán quản trị chi phí là công cụ quan trọng, giúp các nhà quản trị kiểm soát chi phí một cách hiệu quả. Thực tế hiện nay, công tác kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp nói chung và tại các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng tuy đã được quan tâm, song chưa được đầy đủ, toàn diện. Phản ánh thực tiễn triển khai, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thấy gì từ kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp sản xuất xi măng ở Thái Nguyên?

Thái Nguyên hiện có 5 công ty sản xuất xi măng, đó là: Công ty Cổ phần Xi măng Quang Sơn; Công ty Cổ phần Xi măng La Hiên; Công ty Cổ phần Xi măng Quán Triều; Công ty Cổ phần Xi măng Cao Ngạn; Nhà máy Xi măng Lưu Xá. Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành sản xuất xi măng trong nước, các doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng tại Thái Nguyên cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn và thách thức.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam dự báo,  đến năm 2020, sản lượng xi măng dư thừa khoảng từ 25 – 35 triệu tấn. Thực trạng này đòi hỏi các nhà quản lý phải hoàn thiện hệ thống quản lý DN, phù hợp với cách thức sản xuất mới theo công nghệ tiên tiến, hiện đại và công cụ đắc lực không thể thiếu trong hệ thống quản lý DN hiện đại, đó là kế toán quản trị (KTQT) và chủ yếu là KTQT chi phí. Trong đó, các DN cần chú ý đến một số yếu tố sau:

- Về tổ chức bộ máy KTQT chi phí: Thực tế cho thấy, các DN sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không tổ chức bộ máy KTQT riêng. Trong DN chỉ tổ chức duy nhất bộ phận KTQT chi phí và tính giá thành sản phẩm, xử lý các công việc của kế toán tài chính và cung cấp thông tin về chi phí và giá thành khi có yêu cầu. Bộ máy kế toán được tổ chức theo mô hình tập trung tại các phân xưởng và các chi nhánh có nhân viên kế toán tập hợp chứng từ, sau đó chuyển về phòng kế toán trung tâm để tổng hợp. Như vậy, KTQT chi phí tại các DN chưa được thực hiện bài bản; Trách nhiệm kiểm soát chi phí chưa gắn liền với người đứng đầu bộ phận phát sinh chi phí.

- Về phân loại chi phí: Các DN đang áp dụng cách phân loại chi phí theo chức năng hoạt động. Theo cách phân loại này, chi phí được phân thành các lĩnh vực như: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN và chi phí hoạt động khác; Chưa thực hiện phân loại chi phí theo cách ứng xử để kiểm soát chi phí theo hai nhóm là biến phí và định phí cũng như chưa vận dụng cách phân loại chi phí theo cách ứng xử để lập báo cáo kết quả kinh doanh và xác định điểm hòa vốn trong kinh doanh.

- Về xây dựng dự toán chi phí: Hàng năm, các DN xây dựng kế hoạch tổng thể về tiêu thụ và sản xuất chi tiết cho từng quý trong năm dựa trên số liệu về tiêu thụ của năm trước và dự báo tình hình tiêu thụ của năm sau. Từ dự toán kế hoạch tiêu thụ và sản xuất kết hợp với định mức nhân công và định mức tiêu hao vật tư kế toán sẽ lập dự toán các loại chi phí sản xuất như: Dự toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, dự toán chi phí nhân công trực tiếp, dự toán chi phí sản xuất chung. Tuy nhiên, các dự toán chi phí bán hàng và chi phí quản lý hiện nay chưa được các DN quan tâm triển khai. Hệ thống dự toán của các DN chủ yếu là dự toán tĩnh, chỉ có tác dụng cho công tác kế hoạch hóa, không có tác dụng trong hoạt động kiểm soát.

- Kế toán trách nhiệm đối với các trung tâm trách nhiệm chi phí: Tại các DN, các trung tâm trách nhiệm chưa được hình thành, do vậy, thông tin cung cấp cho việc ra quyết định mới chỉ dừng lại ở dạng thông tin thô. Đây là những hạn chế trong khâu kiểm soát, dẫn đến các giải pháp để giải quyết về vấn đề tăng chi phí cũng chưa thực sự hiệu quả.

Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí tạidoanh nghiệp sản xuất xi măng ở tỉnh Thái Nguyên 

Sau khi nghiên cứu về mô hình kế toán nói chung và mô hình KTQT chi phí nói riêng có thể thấy rằng, mô hình kết hợp giữa KTQT chi phí và kế toán tài chính trong cùng một bộ máy kế toán là hiệu quả nhất, bởi vì KTQT chi phí có thể kế thừa thông tin và các công việc mà kế toán tài chính cung cấp.

Theo mô hình kết hợp (Hình 1), DN vừa tận dụng được nhân sự của bộ phận kế toán tài chính, vừa tận dụng kết hợp thông tin kế toán tài chính và KTQT, vì thực tế thông tin KTQT có được chủ yếu là từ nền tảng của thông tin kế toán tài chính. Như vậy, thông tin đưa ra sẽ tin cậy và chính xác hơn, đồng thời, tránh lãng phí thời gian khi thực hiện công tác KTQT chi phí. 

Bên cạnh đó, để đáp ứng được các yêu cầu về lập kế hoạch chi phí, kiểm soát và chủ động điều tiết chi phí, ra quyết định kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả, KTQT cũng cần phải tiến hành phân loại chi phí theo mối quan hệ với mức độ hoạt động của chi phí. Bằng kỹ thuật phân tích mối quan hệ KTQT có thể đưa ra các quyết định về giá cả sản phẩm, kiểm soát và điều chỉnh kết cấu chi phí hợp lý...

Hơn nữa, nhằm giúp kiểm soát có hiệu quả chi phí sản xuất kinh doanh tại các DN sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngoài triển khai các giải pháp trên, cần xây dựng các trung tâm chi phí theo mô hình quản trị dạng trực tuyến chức năng trong DN. Các trung tâm chi phí được hình thành theo 3 nhóm: Trung tâm chi phí thuộc khối sản xuất; Trung tâm chi phí thuộc khối kinh doanh; Trung tâm chi phí thuộc khối quản lý.

Các trung tâm chi phí xây dựng các chỉ tiêu cung cấp thông tin nhằm đánh giá trách nhiệm quản lý và sử dụng chi phí tại bộ phận, đơn vị có phát sinh chi phí nhằm đảm bảo nguyên tắc kiểm soát được của các nhà quản trị cấp cao nhất của trung tâm đó. Đồng thời, thông qua các chỉ tiêu giúp các nhà quản trị có cơ sở xem xét và có biện pháp tiết kiệm chi phí nhằm tối thiểu hóa chi phí.

Tại các trung tâm, kế toán sẽ tiến hành phân tích biến động về biến phí sản xuất theo yếu tố vật liệu và nhiên liệu để kiểm soát chi phí và điều chỉnh theo từng nguyên nhân phát sinh. Đối với định phí sản xuất như chi phí khấu hao, bảo trì… cần phải được kiểm soát qua so sánh định phí sản xuất thực tế và định phí sản xuất định mức, để đánh giá và kiểm soát định phí sản xuất theo từng trung tâm chi phí.  

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006 về hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN;

2. Nguyễn Ngọc Huyền (2000): “Phương pháp phân tích và quản trị chi phí kinh doanh ở các DN công nghiệp trong nền kinh tế thị trường Việt Nam”, Luận án Tiến sỹ;

3. Trần Thị Thu Hường, Đại học Kinh tế Quốc dân: “Xây dựng mô hình KTQT chi phí trong các DN sản xuất xi măng Việt Nam”, Luận án Tiến sỹ;

4. Đặng Nguyên Mạnh: “Bàn về hệ thống thông tin KTQT chi phí trong DN”, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán, số 11(124), 2013, tr50-53;

5. Nguyễn Ngọc Quang (2011), Giáo trình Kế toán quản trị, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.