Triển khai Mô hình “Từ giảng đường tới doanh nghiệp” tại các trường cao đẳng

TS. Phạm Xuân Thành - Cao đẳng Kinh tế đối ngoại

Trong nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập phát triển, việc rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách giúp sinh viên thích ứng nhanh hơn với công việc khi ra trường đi làm. Mô hình “Từ giảng đường tới doanh nghiệp” được đề xuất nhằm giúp sinh viên cao đẳng rút ngắn khoảng thời gian để ra trường và có thể tìm được công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo; Thích ứng nhanh với công việc được tuyển dụng tại các doanh nghiệp, qua đó đáp ứng được mục tiêu giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng đào tạo nghề nghiệp tại các trường cao đẳng khối kinh tế

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13, giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.

Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Mục tiêu cụ thể đối với từng trình độ của giáo dục nghề nghiệp được quy định cụ thể tại Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13, riêng đối với bậc cao đẳng như sau: “Đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính chất phức tạp; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc”.

Do vậy, khi chuyển đổi từ giáo dục chuyên nghiệp sang một bộ phận của giáo dục nghề nghiệp, các trường cao đẳng cũng có sự thay đổi về chương trình đào tạo, phương pháp dạy học… để phù hợp với bối cảnh mới.

Nhằm làm rõ thực trạng giáo dục nghề nghiệp tại các trường cao đẳng chuyên nghiệp khối kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi đối với các nhóm đối tượng khác nhau, gồm: Sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng khối ngành Kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh (gồm 4 trường: Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, Cao đẳng Công Thương, Cao đẳng Tài chính Hải quan, Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh); Sinh viên đã tốt nghiệp các trường Cao đẳng khối ngành Kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh và xin được việc làm; Giảng viên các trường Cao đẳng khối ngành Kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh; Nhà tuyển dụng các vị trí thuộc lĩnh vực kinh tế tại các doanh nghiệp (DN) ở TP. Hồ Chí Minh.

- Phương pháp dạy học hiện nay và mong muốn, nguyện vọng của sinh viên: Kết quả điều tra bằng bảng hỏi với 200 sinh viên đang theo học tại 4 trường Cao đẳng trên về việc phương pháp học lý thuyết/thực hành trong các môn học cho thấy, sự yêu thích đối với những môn học được phân bổ thời lượng học thực hành nhiều hơn, chiếm 61,5%.

Triển khai Mô hình “Từ giảng đường tới doanh nghiệp” tại các trường cao đẳng - Ảnh 1
 
Trong khi đó, chỉ có 8,5% sinh viên thích học lý thuyết nhiều hơn thực hành; 30% sinh viên thích phân bổ đều giữa thời lượng học thực hành và lý thuyết. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hiện nay hầu như phương pháp dạy học các giờ học thực hành chủ yếu là làm bài tập tại lớp chiếm 78,5% với cách thức giảng viên sẽ cho sinh viên làm bài tập tại lớp dành cho các môn tính toán ví dụ như môn Thuế, Kế toán…

Trong khi đó, phương pháp sinh viên được giảng viên dẫn đi thực tế tại các DN chiếm 14%. Hiện nay, phương pháp này cũng đã được nhiều giảng viên sử dụng đưa vào quá trình giảng dạy, ví dụ như môn như thị trường chứng khoán… Phương pháp dạy học hiện nay đối với các môn học chuyên ngành vẫn còn nặng về lý thuyết, giờ thực hành còn ít. Các tiết học thực hành vẫn chưa thực sự tiếp cận với thực tế.

- Kinh nghiệm thực tế của đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực chuyên môn: Tỷ lệ giảng viên chưa có kinh nghiệm thực tiễn đối với lĩnh vực mình giảng dạy còn nhiều do tư duy đã tồn tại suốt hàng chục năm nay giảng dạy lý thuyết là chủ yếu. Kết quả điều tra bằng bảng hỏi đối với 48 giảng viên đang giảng dạy tại 4 trường cao đẳng này cũng cho thấy, giảng viên chưa từng làm qua công việc thực tế phù hợp với môn mình giảng dạy, chiếm 37,5%.

Tỷ lệ giảng viên có kinh nghiệm làm qua công việc thực tế phù hợp từ 1-2 năm là 41,6%, tỷ lệ trên 2 năm chiếm 20,83%. Kết quả thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ giảng viên không đi thực tế chiếm 25%; Tỷ lệ giảng viên có đi thực tế nhưng không thường xuyên chiếm 52,08%; Tỷ lệ giảng viên tiếp xúc với công việc thực tế một cách thường xuyên là 22,92%...

- Mức độ phù hợp giữa nội dung được đào tạo ở nhà trường với công việc sau khi tốt nghiệp: Kết quả khảo sát đối với 153 sinh viên thuộc 4 trường cao đẳng chuyên nghiệp cho thấy, tỷ lệ sinh viên đã tốt nghiệp các trường cao đẳng khối ngành Kinh tế cho rằng: Những môn học đã được đào tạo ở nhà trường không phù hợp với yêu cầu công việc hiện nay họ đang làm là 34,64%; 50,98% số sinh viên được khảo sát cho rằng, họ được học các môn học ở trường tương đối phù hợp với yêu cầu công việc thực tế và có thể nắm bắt được các công việc được giao tại các DN.

Chỉ có 14,38% sinh viên cho rằng, những môn học đã học tại trường hoàn toàn phù hợp với yêu cầu công việc hiện tại, đây là những sinh viên trong thời gian học tại trường, ngoài thành tích học tập tốt, còn tự tìm hiểu kiến thức thực tế bên ngoài và thậm chí có bạn vừa học vừa tìm được chỗ làm thêm phù hợp với chuyên ngành đào tạo...

Đa số sinh viên mới tốt nghiệp đều gặp phải khó khăn khi tiếp xúc với công việc thực tế tại DN, cụ thể: 57,52% sinh viên tuy nắm vững lý thuyết nhưng không áp dụng được vào thực tế công việc; 28,10% sinh viên không hiểu quy trình cụ thể của từng công việc được giao. Chỉ có 14,38% sinh viên cho rằng mình không gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với công việc…

- Vấn đề đào tạo lại đối với sinh viên mới tốt nghiệp: Kết quả khảo sát bằng bảng hỏi dành cho 34 nhà tuyển dụng ở vị trí các công việc liên quan đến đào tạo lại nguồn nhân lực là sinh viên mới tốt nghiệp tại các trường cao đẳng chuyên nghiệp khối ngành Kinh tế cho thấy, các DN đều phải tổ chức đào tạo lại đối với nguồn nhân lực là sinh viên mới tốt nghiệp các trường cao đẳng chuyên nghiệp.

Thời gian đào tạo chiếm từ 3-6 tháng hoặc dài hơn 6 tháng tuỳ theo vị trí công việc cụ thể. Điều này gây khó khăn cho DN, vì không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để có thể tổ chức, “cầm tay chỉ việc” cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Triển khai Mô hình “Từ giảng đường tới doanh nghiệp” tại các trường cao đẳng - Ảnh 2

DN hoạt động vì lợi nhuận, cho nên nếu không thể đủ khả năng hoàn thành được công việc thì sinh viên mới tốt nghiệp sẽ không được tuyển dụng và nếu có được tuyển dụng thì sinh viên sẽ mất nhiều thời gian để đào tạo lại, vừa tốn kém chi phí cho DN, đồng thời cũng sẽ không có được mức lương như mong đợi trong thời gian học việc.

Hầu hết các nhà tuyển dụng đều mong muốn sinh viên khi tốt nghiệp, không chỉ cầm trong tay tấm bằng đẹp, kỹ năng mềm tốt… mà quan trọng nhất là phải làm được việc để rút ngắn thời gian đào tạo lại. DN có thể hỗ trợ nhà trường trong việc đào tạo sinh viên được tiếp cận với thực tế môi trường làm việc nếu DN thấy có lợi và khả thi.

Một số kiến nghị và giải pháp

Sự thiếu liên kết giữa nhà trường và DN dẫn đến những bất cập trong việc đào tạo nghề. Hầu hết tại các trường cao đẳng hiện nay, hình thức thực hành chủ yếu là đi thực tập, tham quan, đi thực tế tại DN trong quá trình học theo một khoảng thời gian nhất định như: 1 ngày (tham quan, đi thực tế), 5 tuần (thực tập giữa khóa) đến 2 tháng (thực tập tốt nghiệp). Hình thức này được nhiều trường thực hiện trong thời gian tương đối dài, song hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.

Để khắc phục những bất cập trên, thông qua các khảo sát, nghiên cứu này đề xuất việc áp dụng mô hình “từ giảng đường tới DN” vào chương trình đạo tạo tại các trường cao đẳng khối ngành kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, cụ thể như:

Thứ nhất, kết hợp giảng viên và chuyên gia của DN.

Hoạt động chủ yếu là gắn kết giảng viên (với thế mạnh về lý thuyết) và người sử dụng lao động (với thế mạnh về kinh nghiệm thực tiễn). Các hình thức được áp dụng như sau:

- Yêu cầu giảng viên đi thực tế, yêu cầu về kinh nghiệm của giảng viên. Theo đó, mỗi giảng viên phải đi thực tế hoặc làm việc tại các DN trong lĩnh vực phù hợp với môn học đang giảng dạy, tần suất thường xuyên, đưa vào nghĩa vụ bắt buộc của giáo viên. Khi tuyển dụng giảng viên phải sàng lọc kỹ, ngoài bằng cấp chuyên môn phù hợp cần phải yêu cầu kinh nghiệm thực tiễn ít nhất 2 năm đối với giảng viên giảng dạy các môn chuyên ngành.

- Mời giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia làm việc ở DN. Nhà trường cần chủ động liên kết với DN, mời các chuyên gia trực tiếp về đứng lớp giảng dạy cho sinh viên. Khi đó, họ sẽ đưa các “case study” tại chính DN mình vào giảng dạy, sẽ mang lại những kiến thức gần gũi, thiết thực cho công việc của các bạn sinh viên sau này. Hoạt động này phải mang tính thường xuyên và phải được kiểm định hiệu quả thực hiện.

Thứ hai, ký kết hợp đồng đào tạo theo nhu cầu của DN, cam kết đảm bảo chất lượng đầu ra.

Nhà trường và DN ký kết hợp đồng đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng, theo đó sinh viên được đào tạo phải có kiến thức chuyên môn, cũng như đạt tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học và thành thạo các kỹ năng, có phẩm chất tốt, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về nhân lực DN.

Chính DN sẽ cử cán bộ chuyên gia xuống trực tiếp đánh giá và thực hiện các quy trình tuyển dụng để có thể đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường, không phải đánh giá thông qua các bài kiểm tra, thi cử truyền thống. Trong khi đó, giảng viên thiết kế và thực hiện các khóa đào tạo được cá biệt hóa theo yêu cầu của DN.

Ví dụ, với ngành Tài chính ngân hàng, các ngân hàng hiện nay tuyển dụng chủ yếu ở vị trí tín dụng, giao dịch viên… thì nhà trường phải liên hệ với các ngân hàng, thu thập tài liệu quy trình làm việc của một số ngân hàng, tìm hiểu yêu cầu kiến thức, kỹ năng đối với các vị trí chức danh này… sau đó tổ chức những chuyên đề đào tạo riêng liên quan đến vị trí tuyển dụng này.

Thứ ba, mô phỏng môi trường làm việc ngay tại trường học.

Các trường thường tập trung nỗ lực vào việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, sách tham khảo để môi trường học tập có thể gần gũi, mô phỏng được môi trường làm việc. Tuy nhiên, chương trình đào tạo các trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vì nhận thức và quy trình xây dựng chương trình của các trường vẫn xuất phát từ các môn học (học phần) trong khi nhu cầu thực tiễn được xác định bằng các kiến thức, kỹ năng (chuẩn đầu ra).

Do vậy, cần xây dựng mô hình làm việc ngay tại trường để học sinh có thể tận mắt thấy, tận tay làm những công việc thực tế ngay trong giờ học. Trong mô hình này, cần có sự gắn kết cả sinh viên - người lao động và giảng viên - người sử dụng lao động trong môi trường làm việc được xác định bằng mục tiêu cụ thể. 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13;

2. Tổng cục Dạy nghề (2016), Những đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam;

3. TS. Đào Ngọc Tiến (2013), Các phương thức gắn kết hoạt động đào tạo của trường đại học với doanh nghiệp, Đại học Ngoại thương Hà Nội;

4. TS. Nguyễn Đình Luận (2015), Sự gắn kết giữa nhà trường và DN trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị, Tạp chí Phát triển và Hội nhập.