Triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

ThS. Vũ Đại Đồng - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 được nhìn nhận khá lạc quan, song cũng không ít lo ngại về sức ép cạnh tranh do hội nhập quốc tế khi phần lớn doanh nghiệp vẫn yếu về kỹ năng quản trị, sức khỏe tài chính và mức độ sẵn sàng hội nhập… Bài viết phân tích triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2016 và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lạc quan về triển vọng kinh doanh

Những kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm qua kết hợp với các dự báo kinh tế khả quan trong năm 2016 và đặc biệt là triển vọng thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế theo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là cơ sở đáng tin cậy làm tăng thêm niềm tin, kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được kỳ vọng giúp tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 tăng hơn 10%. Đặc biệt, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với nhiều đột phá về tư duy, bộ máy và năng lực thực thi chính sách sẽ tạo niềm tin về môi trường chính trị ổn định, từ đó mở ra những cơ hội kinh doanh và niềm tin đầu tư cho cộng đồng DN trong và ngoài nước.

Kết quả khảo sát các DN Fast 500 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 24/2/2016 cho thấy, hơn 76% số DN tham gia khảo sát dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh nhằm tận dụng tối đa những cơ hội tăng trưởng mới, 22,1% số DN sẽ tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh như năm trước, trong khi chỉ 1,6% số DN có ý định thu hẹp quy mô kinh doanh. Hơn 80% DN tự tin khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ hoặc tương đối đầy đủ về mức độ sẵn sàng hội nhập và cạnh tranh. Báo cáo cũng dự báo, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) bình quân Top 10 của 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2016 là 127,5%; tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân Top 10 của 500 DN nhỏ và vừa tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2016 là 133,1%.

Sự lạc quan về triển vọng kinh doanh có thể nhìn thấy qua diễn biến về tình hình hoạt động của DN trong những tháng đầu năm 2016. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước trong quý I/2016, số DN đăng ký thành lập mới của cả nước đạt trên 22.000 DN với số vốn đăng ký khoảng 178.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 02 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 13.904 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 113.039 tỷ đồng, tăng 1% về số DN và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ.

Trong 02 tháng đầu năm 2016, một số ngành, lĩnh vực hoạt động có sự gia tăng về DN thành lập mới so với cùng kỳ như: Kinh doanh bất động sản đăng ký 350 DN tăng 89,2%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đăng ký 62 DN tăng 47,6%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga đăng ký 105 DN tăng 19,3%... Một số ngành có tỷ lệ vốn đăng ký tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: Thông tin và truyền thông đăng ký 4.025 tỷ đồng tăng 296,3%; Kinh doanh bất động sản đăng ký 21.278 tỷ đồng tăng 242,4%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đăng ký 5.490 tỷ đồng, tăng 180,4%...

Một số kiến nghị

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo về những thách thức, khó khăn mà các DN Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới, trong khi những khó khăn nội tại vẫn chưa được giải quyết. Thống kê cho thấy, Việt Nam có hơn 97% là các DN nhỏ và vừa (DNNVV) và siêu nhỏ nên sức khỏe tài chính, quản trị yếu. 2/3 số DN siêu nhỏ có nguy cơ bị thôn tính. Bên cạnh đó, khoảng 3% số DN có quy mô vừa và lớn tương lai vẫn bất định do mới chỉ tham gia chuỗi cung ứng ở phân khúc thấp, sản xuất gia công, giá trị gia tăng thấp, hàm lượng nhập khẩu trong hàng xuất khẩu cao.

Phần lớn DN hiện vẫn trong tình trạng khó khăn vì vừa phải trải qua 7-8 năm gian khó, vật lộn với lạm phát cao và mới từng bước hồi phục. Hơn nữa, sức cạnh tranh cũng như mức độ sẵn sàng cho hội nhập vẫn chưa cao. Do vậy, trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ DN tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển nhanh và bền vững, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo ra môi trường bình đẳng để các DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, ý tưởng kinh doanh. Thực hiện xây dựng chính sách tốt, bảo đảm tính công khai, minh bạch và môi trường chính sách ổn định và có tính cạnh tranh cao, giúp DN xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn. Đặc biệt, hiện nay, phần lớn các DN tại Việt Nam thuộc loại hình DNNVV nhưng lại đóng góp trên 40% GDP, thu hút lực lượng lao động khoảng 50,1% nên Nhà nước cần hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để các DN tự tin kinh doanh và hội nhập.

Hai là, cần xây dựng hệ thống tài chính vững mạnh, chia sẻ các thông tin về các dự án ODA, FDI để các DN có đủ năng lực có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm. Đối với một số loại thuế, phí nên tiếp tục miễn giảm cho các DNNVV để động viên khuyến khích cho các DN tái đầu tư.

Ba là, cần tăng cường phổ biến về cơ hội, tinh thần và thách thức cho các DN, đặc biệt là tuyên truyền đến tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan đến TPP. Bên cạnh đó, cần rà soát, hệ thống hóa hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến nội dung 30 chương của TPP, từ đó có kiến nghị, loại bỏ các quy định hết hiệu lực, còn hiệu lực nhưng phải sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết theo hướng phát triển và nâng cao tinh thần phục vụ DN.

Về phía doanh nghiệp

Một là, xây dựng kế hoạch kinh doanh mang tính dài hạn. Trên cơ sơ đó, phải tập trung phát triển nhân lực, đầu tư ứng dụng kỹ thuật mới, nâng cao sức mạnh tài chính thông qua tìm kiếm cách thức kêu gọi vốn đầu tư dài hạn (vay lãi suất thấp, bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu DN); Chú trọng xây dựng thương hiệu cũng như sự tín cậy của đối tác, khách hàng, người tiêu dùng...

Hai là, tiếp tục nâng cao quản trị kinh doanh theo hướng đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay, xu hướng chung trên thế giới đó là đối tác cần các sản phẩm hàng hóa không chỉ chất lượng cao, giá cạnh tranh mà đòi hỏi quy trình sản xuất sản phẩm đó phải mang tính nhân văn, bảo đảm các quy chuẩn phát triển bền vững, không gây tổn hại đến môi trường, thực hiện đầy đủ chính sách với người lao động. Thực tế này đòi hỏi khả năng quản trị DN chuyên nghiệp của các doanh nhân.

Ba là, tận dụng cơ hội từ các FTA. Theo đó, DN cần hướng vào các thị trường FTA, đặc biệt là TPP để thiết lập thị trường mới, các quan hệ đối tác trong tương lai. Thị trường nhập khẩu cũng cần hướng đến thị trường nội khối TPP để hưởng các lợi ích từ quy tắc về xuất xứ. DN phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu bản chất và nội dung của AEC và các FTA mới; Tích cực tìm kiếm và lựa chọn các cơ hội phù hợp, thay vì thụ động chờ đợi cung cấp thông tin và hướng dẫn từ cơ quan nhà nước.

Bốn là, tích cực đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, các DN phải xem xét, rà soát lại sự cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước khác, xem họ đang ở trình độ nào, chất lượng ra sao, giá thành, thông tin về sản phẩm hàng hóa như thế nào, từ đó tìm kiếm thông tin về công nghệ mà các nước đang sử dụng để cho ra sản phẩm đó. Trên cơ sở đó, DN cần có kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh, góp phần hạn chế chi phí, công sức, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Tài liệu tham khảo:


1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tình hình chung về đăng ký DN tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016;

2. Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam - Vietnam Report, Khảo sát các DN Fast 500 tháng 1/2016;

3. Một số website: tapchitaichinh.vn, thesaigontimes.vn, dddn.com.vn…