Triệt đường... “nhập nhèm”?

Theo DDDN

Hàng loạt Công ty ngành điện báo cáo lợi nhuận năm 2012 tăng đột biến, từ gấp rưỡi đến gấp 3 - 4 lần năm trước. Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mức lợi nhuận khoảng 3.500 - 4.000 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, lợi nhuận của EVN trong năm 2012 có thể còn lớn hơn nhiều và lợi nhuận thật sự của ngành điện chỉ khi kiểm toán mới xác định được.

Thực ra chuyện một tập đoàn kinh tế nhà nước có lãi sau nhiều năm lỗ lớn phải là chuyện đáng mừng. Nhưng nó lại khiến người ta nghi ngại, thậm chí bức xúc bởi chỉ trước đó không lâu EVN còn “kể khổ” để tăng giá điện thêm 5%. Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN phát biểu với báo giới rằng: Việc tăng giá điện là khó tránh khỏi vì thực tế giá điện đang được bán dưới giá thành. Đồng thời, việc tăng giá điện cũng nhằm mục đích bù một phần các khoản lỗ cho EVN trong mấy năm gần đây. Đồng thời, việc tăng giá điện cũng là tín hiệu để thu hút đầu tư vào các dự án điện cũng như khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Chuyện “nhập nhèm” lỗ- lãi không chỉ xảy ra ở EVN mà trước đó đã xảy ra ở Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex). Khoan hãy nói  đến chuyện được mất sau công bố lỗ- lãi của các tập đoàn này. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao chỉ một việc đơn giản là lỗ hay lãi tại các tập đoàn- những đầu tàu kinh tế lại khó xác định đến vậy, phải chăng chúng ta đang thiếu cơ chế giám sát?

Trước thực trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đề xuất sử dụng chuẩn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán áp dụng đối với tập đoàn kinh tế, TCy nhà nước ( TĐ, TCT) có Cty mẹ là Cty cổ phần.

Quy định buộc các TĐ, TCT phải minh bạch hơn trong dự thảo Nghị định về TĐ kinh tế nhà nước, TCT nhà nước vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi, cộng với Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN (có hiệu lực từ 30/12/2012), được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ trong quản lý, giám sát hoạt động của DNNN.

Dự thảo nghị định đã đưa ra các quy định chi tiết về chuẩn công bố thông tin áp dụng đối với các TĐ, TCT một cách có hệ thống. Cụ thể, Cty mẹ trong các TĐ, TCT phải minh bạch thông tin về: cơ cấu sở hữu và tài sản; danh mục dự án đầu tư; các khoản vay ngắn hạn và dài hạn; thông tin về các bên có liên quan, giao dịch với các bên có liên quan; báo cáo tài chính quý, bán niên, năm của Cty mẹ, cũng như báo cáo tài chính hợp nhất phải được kiểm toán...

Đặc biệt, các TĐ, TCT có Cty mẹ là Cty cổ phần phải công bố thông tin theo hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK. Các TĐ, TCT chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của thông tin công khai.

Dự thảo nghị định thể hiện bước tiến khá lớn trong nỗ lực buộc các TĐ, TCT phải hoạt động minh bạch, nhưng một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhìn nhận, như vậy là chưa đủ. Lý do là các DNNN, đặc biệt là các TĐ, TCT còn có tính đại chúng hơn các DN niêm yết trên TTCK, vì thuộc sở hữu toàn dân. Hơn nữa, các DN này đang nắm trong tay một lượng tài sản rất lớn của dân, nên các công dân, với tư cách là những cổ đông gián tiếp của DNNN có quyền được tiếp cận các thông tin minh bạch về hoạt động của DN. Mặt khác, để các quy định về nghĩa vụ minh bạch thông tin như dự thảo đưa ra có tính khả thi cao, cần đưa ra các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ.

Dẫu sao cũng hy vọng với những “công cụ” mới, chuyện “nhập nhèm” lỗ- lãi sẽ không còn tái diễn.