Trợ lực cho doanh nghiệp

Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính

Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường năm 2013. Trong đó, các giải pháp về thuế đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp (DN) bởi đây là sự chia sẻ cần thiết, đầy khó khăn giữa Nhà nước và DN trước sức ép ngày càng tăng của ngân sách nhà nước trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Dưới đây, xin đề cập đến nội dung cụ thể của các giải pháp về thuế liên quan đến hoạt động của DN mà Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ.

Hỗ trợ cộng đồng DN

Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành các Thông tư điều hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2013. Theo đó, cùng với việc cắt giảm hàng nghìn dòng thuế theo lộ trình, các mặt hàng nhập khẩu là nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng mà trong nước không có khả năng sản xuất được áp dụng mức thuế suất giảm nhanh hơn. Những mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được và có sản lượng sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước thì thực hiện áp mức thuế tối đa đến mức trần.

Hai là, cam kết không ban hành quy định về thu phí hạn chế phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo đầu phương tiện. Đồng thời, khẩn trương soạn thảo để trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về lệ phí trước bạ theo hướng: Ôtô đăng ký lần đầu thì mức thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh không quá 50% mức quy định chung. Đối với xe đăng ký lần thứ 2 trở đi thì mức thu không quá 2% và áp dụng thống nhất trong cả nước. Đương nhiên, các phương tiện vận tải dùng cho sản xuất kinh doanh sẽ được áp mức thu thấp hơn nhiều lần so với mức áp dụng cho ôtô du lịch cá nhân…

Ba là, cam kết giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010.

Bốn là, việc cung ứng dịch vụ công phục vụ DN sẽ được cải tiến, áp dụng quyết liệt và thống nhất như: Rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng... Trên cơ sở đó, phấn đấu giảm từ 10 - 15% chi phí khai hải quan, khai thuế cho cá nhân, tổ chức và cộng đồng DN.

Năm là, không áp thuế BVMT đối với các loại túi, bao bì nhựa mỏng dùng đóng gói sẵn hàng hóa và túi nylon đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường. Hoàn tiền thuế BVMT mà DN đã nộp năm 2012 đối với túi nylon dùng làm bao bì đóng gói sẵn sản phẩm.

“Trợ lực” DNNVV

Các giải pháp thuế 2013 thuộc thẩm quyền của Chính phủ được áp dụng đối với DN quy mô nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực là:

Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế TNDN phải nộp quý I và 03 tháng thời hạn nộp thuế TNDN đối với số thuế phải nộp quý II và quý III năm 2013. Theo đó, số thuế TNDN tạm tính, tạm khai nộp của quý I và quý II/2013 được dời đến ngày 30/10/2013; số thuế khai tạm nộp của quý III năm 2013 sẽ được chậm đến tháng 01/2014. Không thực hiện gia hạn đối với thu nhập từ các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ số, trò chơi có thưởng, thu nhập từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế GTGT đối với số thuế GTGT phải nộp của tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013. Số thuế GTGT của tháng 1/2013 được gia hạn nộp đến ngày 20/8/2013; số thuế của tháng 2/2013 được gia hạn đến 20/9 và cho đến 20/10/2013 DN mới phải nộp số thuế GTGT của tháng 3/2013.

“Giải cứu” DN bất động sản

Chính sách gia hạn thuế được áp dụng đối với các DN tham gia một phân khúc của thị trường bất động sản là nhà ở. Theo đó, hoạt động bán, cho thuê hoặc cho thuê mua nhà ở được áp dụng việc giãn thuế TNDN, thuế GTGT trong thời gian 6 tháng như các DN quy mô nhỏ và vừa nêu trên.

Đối với các DN sản xuất vật liệu xây dựng, chính sách áp dụng với các đối tượng này là thực hiện gia hạn thuế GTGT đối với các DN thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có sản xuất các mặt hàng vật liệu xây dựng chủ yếu. Trường hợp DN sản xuất kinh doanh nhiều mặt hàng thì chỉ thực hiện gia hạn đối với số thuế GTGT phải nộp đối với sản phẩm là nhà ở, sắt, thép, xi măng, gạch, ngói.

Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thu xếp được nguồn vốn cho việc triển khai các dự án bất động sản, cho phép các chủ đầu tư dự án đã được Nhà nước giao đất nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ về nộp tiền sử dụng đất được gia hạn nộp. Theo đó, thay vì phải nộp tiền theo thông báo, các chủ đầu tư có khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế.

Giải pháp tổng thể cho 2013

Tại kỳ họp tháng 5/2013, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN để áp dụng từ năm 2014 với các nội dung chủ yếu nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tiếp tục khuyến khích đầu tư, giảm mức động viên thuế cùng với nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực xã hội như : (i) Giảm mức động viên về thuế suất chung từ 25% xuống khoảng 23%, riêng DN nhỏ và vừa, mức thuế suất sẽ được giảm xuống thấp hơn, dự kiến 20%…

Trình Quốc hội cho phép các DNNVV được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% từ ngày 01/7/2013. Theo đó, áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 10% từ ngày 01/7/2013 đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội. Giảm 30% số thuế GTGT đầu ra từ ngày 1/ 7/ 2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Bổ sung ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN để thực hiện từ ngày 01/7/2013.

Hi vọng rằng các giải pháp chính sách thuế do Bộ Tài chính đề xuất sẽ sớm được Chính phủ và Quốc hội chấp thuận và được triển khai đồng bộ sẽ có tác động góp phần tháo gỡ khó khăn, phục hồi thị trường, sớm đưa nền kinh tế lấy lại đà phát triển.