Vẫn là than vãn về vốn vay

Theo Đầu tư Chứng khoán

Làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp mình... trong đó, khó khăn nhất vẫn là câu chuyện về vốn vay.

Vẫn là than vãn về vốn vay
Các DN thủy sản đang bị khó khăn về đầu ra do Mỹ chống bán phá giá. Nguồn: Internet
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn do NHNN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân TP. Cần Thơ tổ chức, lãnh đạo nhiều DN đã chia sẻ những khó khăn của DN mình… Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn không mới bởi việc tháo gỡ khó khăn lần nữa lại được chỉ rõ không phải chỉ từ hệ thống ngân hàng.

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung An, DN xuất khẩu gạo nhận định, trong các lĩnh vực khác, có nhiều DN than vãn về vấn đề vốn nhưng các DN gạo trên địa bàn Cần Thơ không thiếu vốn. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, tín dụng trên địa bàn Cần Thơ vẫn tốt, kể cả trong tình hình tín dụng rất khó khăn, dù lãi suất nói chung cao hơn so với các nước trên thế giới nhưng có thể chấp nhận được.

“Tuy vậy, DN xuất khẩu gạo lại gặp vấn đề khác. Cụ thể, Công ty Trung An, năm 2011, doanh số đạt 1.555 tỷ đồng, năm 2012 doanh số đạt 1.450 tỷ đồng, nhưng năm 2013 không biết sẽ thế nào, bởi từ đầu năm đến giờ, Công ty mới xuất khẩu được 10.000 tấn gạo thường. Bắt đầu có sự suy thoái đối với lĩnh vực xuất khẩu gạo, Chính phủ phải có cơ chế chính sách cho lĩnh vực này ổn định, phát triển bền vững”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty thủy sản Nam Hải cho biết, việc vay vốn của các DN xuất khẩu được ưu tiên. Cụ thể, DN Nam Hải được BIDV cấp hạn mức cho vay 500 tỷ đồng, Vietcombank 300 tỷ đồng, HSBC gần 100 tỷ đồng, nhưng chỉ mới sử dụng được khoảng 30% hạn mức. Thực tế cho thấy, chính sách của Chính phủ tạo điều kiện về vốn nhưng khó khăn là đầu ra, như Mỹ chống bán phá giá, đồng Yên Nhật phá giá… Bên cạnh đó là khó khăn ở đầu nguyên liệu, nông dân không vay vốn của ngân hàng được vì chưa trả được nợ.

Khẳng định tình hình tín dụng trên địa bản đã có khởi sắc, Giám đốc NHNN Chi nhánh Cần Thơ, ông Hà Hồng Ngọc, chia sẻ số liệu minh họa, huy động vốn đến ngày 31/3/2013 đạt 33.082 tỷ đồng, tuy giảm 3,2% so với cuối năm 2012, nhưng đã tăng liên tục qua 2 tháng gần nhất. Tháng 1/2013, tín dụng giảm 2,1%, tháng 2 tăng 0,5%, tháng 3 tăng 3,8% so với tháng trước, tổng dư nợ cho vay đến cuối quý I/2013 là 43.323 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2012, chủ yếu do thực hiện chủ trương cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông - Xuân năm 2012 - 2013.

“Lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DN vừa và nhỏ; công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao) hiện không quá 11%/năm. Thậm chí, một số tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất thấp hơn 11%/năm đối với khách hàng truyền thống, khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nợ xấu trong tầm kiểm soát nhưng có xu hướng tăng (từ 3,58% cuối năm 2012 lên 4,02% cuối quý I/2013)”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Tuy vậy, ý kiến của ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Cần Thơ vẫn rất thống thiết, DN nhỏ và siêu nhỏ vẫn rất khát vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn. Các tổ chức tín dụng không hạ các tiêu chí cho vay trong khi DN không còn tài sản thế chấp, bên cạnh đó, hợp đồng đầu ra cũng rất khó khăn nên khó vay trên cơ sở tín chấp…

“Hiện các DN trên địa bàn TP. Cần Thơ đang gặp phải những khó khăn trong hoạt động và sản xuất kinh doanh, nên kiến nghị NHNN: Thứ nhất, tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, hạn mức cho vay đối với các DN xuất khẩu; Thứ hai, giới thiệu, hỗ trợ Thành phố làm việc với các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ trong và ngoài nước; Thứ ba, nới lỏng điều kiện để được hưởng lãi suất 11%/năm phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của người dân, nhất là nông dân; Thứ tư, có giải pháp hỗ trợ giải phóng hàng tồn kho cho các DN, đặc biệt là hàng tồn kho bất động sản”, ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Cần Thơ đề xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, chủ trương của Chính phủ là đảm bảo nông dân trồng lúa có lãi 30%. Do vậy, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng rất tích cực trong thực hiện mỗi chỉ đạo của Chính phủ về nông nghiệp, đặc biệt là đã đáp ứng đủ vốn cho thu mua lúa, gạo. Còn lãi suất cao do lạm phát cao.

Thống đốc giải thích, ngân hàng cũng muốn cho vay trung, dài hạn, nhưng không có nguồn vốn. Vấn đề là cần tạo niềm tin của người dân vào giá trị đồng Việt Nam, ổn định kinh tế vĩ mô, khi đó người dân sẽ gửi tiền dài hạn, từ đó tạo ra dòng vốn dài hạn với lãi suất phù hợp. Đó là nhiệm vụ chung của cả nền kinh tế chứ không phải là của riêng hệ thống ngân hàng.