Về quản lý, sử dụng tài sản cố định tại đơn vị hành chính sự nghiệp

ThS. Lê Thị Thanh Hải

Tài sản cố định là loại tài sản có giá trị và thời gian sử dụng lâu dài như nhà cửa, quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị… do vậy, khi đầu tư cần so sánh giữa số tiền bỏ ra và lợi ích thu được. Tuy nhiên, tại hầu hết các đơn vị hành chính sự nghiệp, tài sản cố định đều phục vụ cho hoạt động sự nghiệp, không sinh lời và không đo lường được giá trị lợi ích kinh tế. Vì vậy, công tác quản lý, sử dụng tài sản này cần được quan tâm đúng mức để tăng hiệu quả sử dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Quản lý, sử dụng tài sản cố định tại các đơn vị hành chính sự nghiệp

Hiện nay, hành lang pháp lý quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (chủ yếu là tài sản cố định - TSCĐ) tại các cơ quan, đơn vị đã được quy định khá đầy đủ.

Cụ thể như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và nhiều nghị định của Chính phủ; thông tư của Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn quản lý, sử dụng, mua sắm… tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Nhờ đó, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nói chung và TSCĐ nói riêng đã từng bước đi vào nề nếp. Thông qua thực hiện kiểm kê nắm được tổng quan về số lượng, giá trị và cơ cấu phân bố sử dụng TSCĐ trong khu vực hành chính sự nghiệp và TSCĐ trong các doanh nghiệp.

Mặt khác, quy định pháp luật cũng đã phân cấp rõ hơn nhiệm vụ quản lý giữa Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, giữa các cơ quan có chức năng quản lý chuyên ngành với các cơ quan, đơn vị được giao quản lý gắn với sử dụng tài sản nhà nước. Đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong quản lý; trách nhiệm của từng đơn vị trong sử dụng tài sản.

Theo Cơ sở Dữ liệu quốc gia, giá trị về TSCĐ qua các năm có xu hướng tăng, cụ thể: Trong tổng số TSCĐ tại khu vực hành chính sự nghiệp nêu trên, TSCĐ tại đơn vị sự nghiệp công lập chiếm tỷ trọng lớn nhất (bình quân là 64,53% về hiện vật và 69,06% về giá trị). Sự gia tăng của TSCĐ chủ yếu là dưới hình thức mua sắm. Theo quy định,  các đơn vị mua sắm tài sản phải theo dự toán được duyệt, nhưng hầu hết các dự toán lại không sát với nhu cầu thực tế (về chủng loại, chất lượng và giá cả).

Nhiều đơn vị khi lập dự toán chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế dẫn đến khi mua tài sản về sử dụng không hiệu quả, để tồn kho gây lãng phí. Mặc dù Chính phủ và Bộ Tài chính có những văn bản quy định rất chặt chẽ về quy định mua sắm và quản lý tài sản nhưng hình thức đấu thầu vẫn còn phổ biến, từ đó dẫn đến tiêu cực như nâng khống giá hoặc thay đổi chủng loại để thu lợi bất chính, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng tài sản.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, mặc dù Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện một số phương thức mới trong quản lý, sử dụng TSCĐ của nhà nước như: Mua sắm tập trung đối với những tài sản có số lượng mua sắm nhiều, giá trị mua sắm lớn, đầu tư xây dựng công trình sự nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đầu tư công - quản lý tư; Nhà nước có chính sách ưu đãi trong sử dụng đất đai, khuyến khích xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường... tuy nhiên, vẫn chưa thu hút được sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế.

Công tác kế toán tài sản cố định tại các đơn vị hành chính sự nghiệp

Thông tư 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014 của Bộ Tài chính quy định những thay đổi về chế độ quản lý và tính hao mòn TSCĐ đã khắc phục phần lớn những hạn chế trong quy định về công tác kế toán trước đây. Cụ thể những điểm mới như:

Thứ nhất, về ghi nhận TSCĐ: Đã quy định rõ đối với TSCĐ đặc thù và TSCĐ đặc biệt. Theo đó, TSCĐ đặc thù: Những tài sản (trừ tài sản là nhà, vật kiến trúc) có nguyên giá từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng và có thời gian sử dụng trên 1 năm; Tài sản là trang thiết bị dễ hỏng, dễ vỡ (như thuỷ tinh, gốm, sành sứ…) phục vụ nghiên cứu khoa học, thí nghiệm có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên.

Tài sản cố định đặc biệt gồm: Tài sản không thể đánh giá được giá trị thực nhưng đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ về hiện vật như các cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử…

Thứ hai, về đối tượng ghi sổ kế toán TSCĐ: Ngoài các quy định trước thì có bổ sung: súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm thì từng con súc vật có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên và vườn cây thuộc khuôn viên đất độc lập có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, được xác định là một đối tượng ghi sổ kế toán TSCĐ;

Thứ ba, về xác định nguyên giá của TSCĐ: Bổ sung trường hợp TSCĐ hình thành từ đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng nhưng chưa có quyết toán được ghi sổ và hạch toán kế toán TSCĐ kể từ ngày có biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Nguyên giá ghi sổ là nguyên giá tạm tính được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Giá đề nghị quyết toán; Giá trị xác định theo biên bản nghiệm thu A-B; Giá trị dự toán dự án đã được phê duyệt.

Thứ tư, về quản lý TSCĐ: Quy định cụ thể các nội dung cần thực hiện: Mọi TSCĐ hiện có tại đơn vị được quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSCĐ; Đơn vị có trách nhiệm lập thẻ TSCĐ, hạch toán kế toán đối với toàn bộ TSCĐ hiện có của đơn vị theo đúng quy định của chế độ kế toán hiện hành, thực hiện kiểm kê định kỳ hằng năm về TSCĐ hiện có thực tế, báo cáo cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp để thống nhất hạch toán điều chỉnh số liệu giữa kết quả kiểm kê và sổ kế toán.

Thứ năm, về xác định, quản lý giá trị hao mòn TSCĐ. Việc tính hao mòn TSCĐ thực hiện mỗi năm 1 lần vào tháng 12, trước khi khoá sổ kế toán hoặc bất thường. Phạm vi TSCĐ phải tính hao mòn là tất cả TSCĐ hiện có.

Đối với những TSCĐ có thay đổi về nguyên giá, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, số hao mòn luỹ kế của TSCĐ đó để ghi sổ kế toán.

TSCĐ của đơn vị sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật để phải trích khấu hao TSCĐ.

Mặc dù, đã có văn bản quy định cụ thể về công tác kế toán TSCĐ nhưng việc nắm bắt, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng TSNN tại một số đơn vị còn hạn chế, công tác hạch toán và theo dõi tài sản không kịp thời và đầy đủ, kế toán chưa tính hao mòn và trích khấu hao TSCĐ đúng chế độ quy định, thậm chí có đơn vị không phản ánh tài sản vào sổ và báo cáo kế toán.

Đây là kẽ hở để phát sinh thất thoát, nhất là các loại tài sản và thiết bị chuyên dùng điện tử, tin học. Ngoài ra, nhiều đơn vị chưa thực sự quản lý, theo dõi sát được thực trạng và biến động của tài sản, nhất là đất đai nên công tác kế toán chưa phản ánh đúng giá trị của tài sản và khấu hao chưa phù hợp với thực tế.