Vì sao Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Italia đầu tư?

Nguyễn Lộc

(Tài chính) Chỉ số tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong những năm gần đây tăng chậm, thế mạnh kinh tế thế giới đang nghiêng về hướng Đông nên các doanh nghiệp Italia đang đẩy mạnh tìm cơ hội đến với châu Á, trong đó có Việt Nam. Đó là lời khẳng định của ngài Carlo Alberto Roncarati – Phó Chủ tịch Liên đoàn các phòng thương mại Italia trong một cuộc gặp gỡ với báo giới gần đây.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng trong những năm tiếp theo. Nguồn: internet
Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng trong những năm tiếp theo. Nguồn: internet

Theo ông Carlo Alberto Roncarati, từ năm 1973, các doanh nghiệp Italia đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh và Italia là một trong những nước Tây Bắc Âu đầu tiên nối lại quan hệ hợp tác với Việt Nam sau những năm 1979 - 1989.

Hiện nay, một số tập đoàn sản xuất lớn của Italia đã thiết lập quan hệ hợp tác và bước đầu có được một số kết quả quan trọng tại Việt Nam như Technip Italy (dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ), Danieli Officina (nhà máy sản xuất thép), Fiat Iveco (Liên doanh ôtô Mekong), Piaggio (xe tay ga).

Hiện nay, nhiều doanh nhân Italia đã quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam và coi đây là một vùng chiến lược quan trọng bởi:

Thứ nhất, Việt Nam vẫn là một thị trường lao động với chi phí nhân công đáng mơ ước của các doanh nghiệp ở châu Âu. Italia là một quốc gia với thế mạnh trọng lĩnh vực sản xuất cơ khí, chế tạo máy móc, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển vững mạnh với quy mô tập trung. Giá nhân công là một trong những nhân tố cấu thành giá cả của sản phẩm. Nếu các doanh nghiệp Italia tận dụng được lợi thế về nguồn nhân công ở Việt Nam sẽ mở ra cho họ một sân chơi cạnh tranh mà họ là người nắm quyền quyết định về giá. Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, dân số trẻ của các quốc gia châu Á cũng là một thị trường tiềm năng rộng lớn để các doanh nghiệp vạch ra những chiến lược dài hơi hơn.

Thứ hai, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược quan trọng về địa lý trong khu vực Đông Nam Á, nếu các doanh nghiệp đặt trụ sở làm việc hoặc công ty trên lãnh thổ Việt Nam, họ sẽ có nhiều thuận lợi khi phát triển theo kiểu thị trường chân rết sang các nước châu Á khác.

Hiện nay, vùng Emilia-Romagna có 107 doanh nghiệp đã đến diễn đàn kinh tế Việt Nam – Italia vừa được tổ chức thành công tại 2 nước, 78 doanh nghiệp trong số đó đã có văn phòng đại diện hoặc trụ sở công ty hoạt động ở nước ngoài. Theo điều tra, trong thời gian tới những doanh nghiệp này đều có nhu cầu mở rộng ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới.

Khi Chính phủ Italia coi Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt nằm trong vùng chiến lược phát triển thì các doanh nghiệp Italia sẽ được hỗ trợ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam thông qua các cuộc gặp gỡ, hội trợ, triển lãm để quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, xúc tiến thương mại. Trên thực tế, quan hệ thương mại Việt – Italia những năm qua chưa xứng đáng với tiềm vốn có của hai bên do có quá ít thông tin về nhau nên điều đó làm cản trở nhiều cơ hội hợp tác làm ăn.

Thứ ba, chỉ số tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong những năm gần đây tăng chậm, thế mạnh kinh tế thế giới đang nghiêng về hướng Đông, chúng ta có thể thấy tốc độ tăng trưởng ở khu vực này khá cao như Trung Quốc 7,7%, Lào 8%, Campuchia 7%... Đó là lí do vì sao các doanh nghiệp Italia đang đẩy mạnh tìm cơ hội đến với châu Á. Dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt 5,5%, thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng vẫn đang là một con số đáng mơ ước của các doanh nghiệp châu Âu và hứa hẹn nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng.

Thứ tư, Việt Nam và Italia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa lao động, văn hóa con người, quy mô doanh nghiệp... giúp cho các doanh nghiệp 2 nước có nhiều tiềm năng thích ứng với môi trường của nhau.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cần tăng cường đẩy mạnh các loại hình hợp tác, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa- xã hội thông qua các diễn đàn nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác Italia - Việt Nam.

Xin dẫn lời đại sứ Italia tại Việt Nam cho phần kết của bài viết: "Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp Italia bởi ngoài các lợi thế về chính trị ổn định, nền kinh tế phát triển năng động, nhân lực trẻ đang ngày càng có trình độ cao... thì giữa Italia và Việt Nam có sự tương đồng rất lớn về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam còn là cửa ngõ quan trọng trong khu vực, các doanh nghiệp Italia đầu tư ở Việt Nam có thể mở rộng thị trường sang Trung Quốc và ASEAN với gần 3 tỷ dân một cách thuận lợi".