Việt Nam xếp thứ 72 về môi trường kinh doanh

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong năm 2014, Việt Nam đứng thứ 72 về mức độ thuận lợi cho kinh doanh trong tổng số 189 nền kinh tế, theo báo cáo mới nhất của WB.

Việt Nam xếp thứ 72 về môi trường kinh doanh
Về môi trường kinh doanh năm 2015, WB xếp Việt Nam ở thứ 78. Nguồn: internet
Như vậy, bảng xếp hạng năm 2014 đã có một số thay đổi khi tổ chức này thay đổi phương pháp tính toán.Trong bảng xếp hạng được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 10/2013 với cách tính cũ, Việt Nam đứng thứ 99 trong năm 2014.

Trong báo cáo công bố ngày 29/10, WB ghi nhận những lĩnh vực mà Việt Nam có cải cách trong quy định kinh doanh là vay vốn (thông tin tín dụng), nộp thuế.

Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia bằng cách thiết lập một cơ quan thông tin tín dụng mới. Đồng thời, Việt Nam đã giúp các công ty giảm bớt chi phí thuế bằng cách giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về môi trường kinh doanh năm 2015, WB xếp Việt Nam ở thứ 78.

Căn cứ vào 10 tiêu chí cụ thể để WB tổng hợp xếp hạng, có thể thấy các nỗ lực cải cách gần đây của Việt Nam trong các lĩnh vực thuế, hải quan… chưa được ghi nhận trong báo cáo này.

Ở tiêu chí khởi sự kinh doanh, Việt Nam xếp hạng 125. Để thành lập một doanh nghiệp, người dân vẫn phải hoàn thành 10 thủ tục, 34 ngày.

Việt Nam xếp hạng 173 về tiêu chí nộp thuế. Cụ thể, số lần thanh toán thuế mỗi năm là 32, và tổng thời gian mỗi năm là 872 giờ, và tổng mức thuế (% lợi nhuận) lên đến 40,8%.

Về thương mại qua biên giới, Việt Nam xếp thứ 75. Để xuất khẩu, doanh nghiệp cần tới 5 hồ sơ và thời gian 21 ngày, chi phí xuất khẩu trung bình là 610 USD/container. Con số tương ứng cho nhập khẩu là 8 hồ sơ, 21 ngày và 600 USD/container.

Tiêu chí kết nối điện của Việt Nam xếp hạng 135; các doanh nghiệp cần 6 thủ tục, 115 ngày.

Mức độ thuận lợi trong cấp phép xây dựng của Việt nam đạt thứ hạng khá cao là 22, với 10 thủ tục, thực hiện trong 114 ngày.

Để giải quyết tình trạng phá sản (xếp thứ 104), các doanh nghiệp cần tới 5 năm.

Các chỉ số khác của Việt Nam như sau: Đăng ký tài sản xếp thứ 33; thực hiện hợp đồng 47; bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số 117; vay vốn xếp hạng 36.

Singapore vẫn sở hữu môi trường pháp lý cho kinh doanh thân thiện nhất trên thế giới. Cũng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nằm trong số 10 nền kinh tế thuận lợi nhất cho kinh doanh còn có New Zealand, Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Australia.