Vinalines, SBIC vẫn "đúng hẹn" cổ phần hóa

Theo giaothongvantai.com.vn

(Tài chính) Bất chấp nhiều khó khăn, hai tổng công ty lớn của ngành Giao thông Vận tải là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) vẫn đang bám sát tiến độ cổ phần hóa (CPH). SBIC và Vinalines cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm giao Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tham gia mua nợ của Tổng công ty tại các tổ chức tín dụng có nhu cầu bán nợ trong thời gian tới...

Chậm nhất đầu năm 2015 có thể mua cổ phần Vinalines

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn cho biết, đến nay đã có 6 doanh nghiệp (DN) chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần gồm: Cảng Khuyến Lương, Quy Nhơn, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang. Cùng đó, cảng Quảng Ninh - một trong hai cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để chuyển sang hoạt động theo mô hình này. 

Cũng theo ông Sơn, năm cảng biển khác gồm: Sài Gòn, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh và Cần Thơ cũng đã hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, đang chờ thẩm tra. “Ngoại trừ cảng Sài Gòn vướng mắc do đang di dời nhưng sẽ bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) trước quý II/2015, các cảng còn lại chắc chắn sẽ IPO trong năm 2014”, ông Sơn khẳng định.

Về CPH công ty mẹ, ông Sơn cho biết, tiến độ xác định giá trị doanh nghiệp vẫn được đảm bảo. “Chậm nhất ngày 15/9, Tổng công ty sẽ trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt hồ sơ xác định giá trị DN, đồng thời công bố giá trị DN vào ngày 24/10. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng như danh sách đề xuất sẽ được công bố trong tháng 11. Chậm nhất ngày 8/12, Tổng công ty sẽ trình phương án CPH. Sau khi được phê duyệt phương án, Vinalines sẽ tiến hành các thủ tục để có thể tiến hành IPO sớm nhất có thể”, ông Sơn nói.

Liên quan đến việc thoái vốn, ông Sơn cho biết, Vinalines đã rất nỗ lực để có thể thoái vốn tại 20 DN. Tuy nhiên, chỉ thực hiện thành công tại 14 doanh nghiệp, rút gọn đầu mối. “Có một số DN đã tổ chức đấu giá chào bán công khai lần hai nhưng không có nhà đầu tư tham gia”, ông Sơn nói.

Về triển khai tái cơ cấu nợ, ông Sơn mong muốn cơ quan chức năng sớm giao Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tham gia mua nợ của Tổng công ty tại các tổ chức tín dụng có nhu cầu bán nợ trong thời gian tới. Vinalines được nhận nợ lại từ DATC bằng giá trị DATC đã mua của các tổ chức tín dụng cộng thêm phí quản lý của DATC. Cùng đó, ông Sơn cũng đề xuất giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại cảng xuống còn 51% hoặc dưới 51%, đáp ứng yêu cầu của các Ngân hàng trong trường hợp ngân hàng chấp nhận giải pháp chuyển nợ thành vốn góp.
 
SBIC sẽ về đích cổ phần hóa trước ba năm

Về phía SBIC, ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch HĐTV SBIC cho biết: “Hiện dư nợ của SBIC sau khi tái cơ cấu xong đợt 1 giai đoạn hai là khoảng 11.786 tỷ đồng. Trong đó, nợ của Công ty mẹ và 8 đơn vị giữ lại chỉ có 1.648 tỷ đồng còn lại phần lớn là dư nợ của các đơn vị không giữ lại. Đối với việc tái cơ cấu các khoản nợ của Công ty mẹ và 8 đơn vị giữ lại, Tổng công ty đề nghị được thực hiện như giai đoạn một thông qua trái phiếu của DATC bằng 30% nợ gốc, các tổ chức tín dụng xóa 70% nợ gốc còn lại và lãi vay cho SBIC. Đối với các khoản nợ của các đơn vị không thuộc diện giữ lại cũng tái cơ cấu tương tự giai đoạn một”.

Về công tác CPH, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN Nguyễn Chiến Thắng cho biết, việc CPH của SBIC đã được Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm trước ba năm so với kế hoạch đã được duyệt là 2018. Đến nay, Tổng công ty (công ty mẹ) rất tích cực thực hiện rút vốn, thoái vốn… Vấn đề hiện nay là cần đẩy nhanh thực hiện các hồ sơ tái cơ cấu đối với 6 đơn vị còn giữ lại. 
 
“Ai sợ trách nhiệm phải thay thế” 

Tại buổi làm việc với hai đơn vị này ngày 13/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, nỗ lực của Vinalines và SBIC trong việc tái cơ cấu, CPH thời gian qua là rất đáng hoan nghênh. Với Vinalines, Bộ trưởng cho biết, đơn vị này đã làm được rất nhiều việc, đảm bảo tốt tiến độ CPH.

Để tái cơ cấu thành công, Vinalines còn phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, trước hết lãnh đạo Vinalines  phải có quyết tâm và có bản lĩnh chính trị vững vàng. “Cứ sợ trách nhiệm sẽ chẳng làm gì được. Tôi đã nói rồi, ai sợ trách nhiệm phải thay thế. Cứ giữ khư khư ghế mà không làm gì là không được”, Bộ trưởng nói.

Đối với SBIC, Bộ trưởng yêu cầu trong khi tái cơ cấu sản xuất, cần tìm kiếm thêm thị trường. Đặc biệt, thống nhất chủ trương phải xử lý tài sản trước khi thực hiện phá sản, không thực hiện việc giải thể doanh nghiệp để hạn chế tổn thất lớn nhất cho xã hội. Bên cạnh đó, SBIC cần tập trung đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân và vạch ra những chủ trương ngắn - trung và dài hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng công ty phải năng động hơn nữa, đưa ra các mẫu sản phẩm để giới thiệu với thị trường. 

“Chắc chắn thị trường thời gian tới sẽ phát triển. Với quyết tâm chính trị và sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Bộ GTVT, nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu và phát triển sẽ thực hiện được. Vì vậy cần phải giữ được năng lực đóng tàu, giữ được đội ngũ chính, thực hiện tốt tái cơ cấu nợ giai đoạn hai, tái cơ cấu lao động, đầu tư và đặc biệt phải từng bước đổi mới quản trị doanh nghiệp để thực hiện được nhiệm vụ đã đặt ra”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.