Vinashin: Đóng giày vừa chân "anh cả đỏ"

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sẽ kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn và chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổng công ty với 8 nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển thành viên.

Vinashin: Đóng giày vừa chân "anh cả đỏ"
Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sẽ kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn và chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổng công ty. Nguồn: internet
Được biết, cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 1224/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2013 về việc phê duyệt đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin, đến thời điểm này, dự thảo thành lập, dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã hoàn tất.

“Riêng về tên gọi, Tập đoàn đề nghị lấy tên là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với tên tiếng Anh là Vietnam Shipping Industry Corporation, viết tắt là SVN”, Bộ GTVT cho biết.

Theo một chuyên gia, động thái trên cho thấy, quá trình tái cơ cấu bước 1 của Vinashin đã cơ bản kết thúc để chuyển sang giai đoạn mới: chuyển biến về chất trong chính doanh nghiệp đóng tàu của “anh cả đỏ” này.

Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau khi thực hiện giai đoạn I tái cơ cấu Vinashin, một số giải pháp tái cơ cấu đã được điều chỉnh. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành đang thực hiện tái cơ cấu Vinashin theo 3 trọng tâm về mô hình tổ chức, phương án sản phẩm và cơ cấu tài chính.

Về mô hình tổ chức, cùng với việc kết thúc thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đơn vị này sẽ chuyển đổi thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy thuộc Bộ GTVT hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Theo đó, Công ty mẹ - Tổng công ty được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, là công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Công ty mẹ - Tổng công ty có các nhiệm vụ chủ yếu sau: kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý của Công ty mẹ - Tập đoàn; thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật đối với công ty con, phần vốn của công ty mẹ đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Để làm nòng cốt cho ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Bộ GTVT đề nghị giữ lại và tái cơ cấu toàn diện 8 công ty đóng và sửa chữa tàu thủy (hạ cấp từ tổng công ty) là: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Thịnh Long, Cam Ranh, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn.

Các công ty trên đang nắm giữ khoảng 70% năng lực đóng và sửa chữa tàu thủy của cả nước. Đây là những doanh nghiệp có truyền thống, có năng lực, đã được đầu tư kết cấu hạ tầng, dây chuyền công nghệ, thiết bị nâng hạ, gia công cơ khí và một số công nghiệp phụ trợ tương đối đồng bộ, có thể đóng được tàu từ 10.000 đến 70.000 tấn và nhiều loại tàu chuyên dùng.

Cần phải nói thêm rằng, theo Dự thảo Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Cục Hàng hải Việt Nam trình Bộ GTVT, các doanh nghiệp thuộc Vinashin sẽ tham gia cùng các nhà đầu tư nước ngoài đóng mới khoảng 2 - 2,5 triệu DWT/năm, trong đó xuất khẩu đạt 1,67 - 2,16 triệu DWT/năm vào năm 2020.

Đối với sản lượng đóng mới phục vụ xuất khẩu, khối doanh nghiệp trong nước, trong đó chủ yếu là từ Vinashin, dự kiến góp 0,47 - 0,66 triệu DWT/năm, khối doanh nghiệp nước ngoài là 1,2 - 1,5 triệu DWT/năm. “Mục tiêu này cũng khớp với sức sản xuất của 180 nhà máy hiện có và một số nhà máy đang triển khai đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư trên toàn quốc”, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Được biết, đối với 236 doanh nghiệp không giữ lại, sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tài sản để tái cơ cấu một cách thận trọng, hiệu quả, giảm thiểu tối đa thất thoát. “Phấn đấu đến năm 2015, Vinashin sẽ cơ bản thực hiện tái cơ cấu xong theo phương án: các doanh nghiệp còn vốn chủ sở hữu thì thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển nhượng để thu hồi vốn đã đầu tư; các doanh nghiệp không còn vốn chủ sở hữu thì thực hiện bán, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật”, ông Công khẳng định.

Ông Công cũng cho biết, khi thị trường đóng tàu hồi phục, thị trường tài chính ổn định hoặc có điều kiện thuận lợi, sẽ tiến hành cổ phần hóa; bước đầu Nhà nước giữ cổ phần chi phối và sau đó giảm dần, không nắm giữ cổ phần chi phối. Nguồn tiền thu được từ cổ phần hóa dành để trả các khoản nợ của Tập đoàn khi đến hạn.