Vinashin về lại mái nhà xưa

Theo ĐTCK

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sẽ trở lại trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, với quy mô doanh nghiệp thành viên ở mức dưới 13 đầu mối.

Trong số nhóm “bộ tứ” tập đoàn, tổng công ty 91 hoạt động trong lĩnh vực giao thông đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) kiến nghị chuyển cho bộ này quản lý, Vinashin là cái tên đáng chú ý nhất. Cụ thể, cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại Vinashin sẽ được Bộ GTVT tiếp nhận và vận hành như đối với các tổng công ty do bộ này thành lập.

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đề xuất trên là hết sức cần thiết để tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý ngành đối với doanh nghiệp.

Hiện chưa rõ việc Vinashin có giữ lại được “mác” tập đoàn hay không, cũng như cơ chế quản lý, giám sát hoạt động của tập đoàn này trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, nhưng quá trình tái cơ cấu đơn vị này theo hướng thu gọn đầu mối là không thể đảo ngược.

Trong khi đó, thông tin từ Bộ GTVT cho biết, hiện Đề án Tái cơ cấu bước 2 về mô hình tổ chức và hoạt động của Vinashin đã được thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Vinashin sẽ chỉ giữ lại các nhà máy, công ty thực hiện có tiềm lực về đóng mới, sửa chữa tàu biển có khả năng phát triển trong tương lai. Đối với các đơn vị thành viên được giữ lại sẽ được chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Trong đó, Công ty mẹ sẽ duy trì là công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước để quản lý phần vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin, Tập đoàn đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho giữ lại Công ty mẹ, 12 doanh nghiệp đóng tàu và Viện Khoa học công nghiệp tàu thủy. Đây là mục tiêu khá nặng, bởi điều đó có nghĩa là, Vinashin sẽ phải tiếp tục thoái vốn triệt để tại ít nhất 30 doanh nghiệp thành viên, nếu đơn vị này đã thành công trong việc cắt giảm 216 đầu mối như mục tiêu tại Đề án Tái cơ cấu bước 1.

Hiện chưa rõ việc bán tài sản tại 3 đơn vị, bán 13 doanh nghiệp, chuyển nhượng phần vốn góp tại 32 công ty cổ phần mà Vinashin đưa ra hồi quý II/2012 đã được triển khai như thế nào, song trong bối cảnh thị trường tài chính ảm đạm như hiện nay, đây thật sự là mục tiêu rất khó khăn.

Điều đáng lo ngại là, do thị trường đóng tàu vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ đi xuống, nên dù đã cố hết sức đi tìm “nguồn”, nhưng việc có thêm các đơn hàng mới trong năm 2013 và các năm tiếp theo của Vinashin là không khả quan. Nhiều chủ tàu cũng đến trao đổi, tìm hiểu, đưa ra giá thăm dò, nhưng ở mức rất thấp, nên Tập đoàn chưa thể ký hợp đồng.

“Dự báo vài ba năm nữa thị trường vận tải biển mới phục hồi. Đóng tàu cũng cần độ trễ do nhu cầu đóng mới chậm hơn tốc độ phục hồi của thị trường vận tải. Với công nghệ, năng suất hiện hữu, ngay cả khi chỉ giữ 7 - 8 nhà máy đóng tàu, thì việc ổn định sản xuất cũng hết sức khó khăn”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công dự báo.