"Vốn ít luôn tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp"

Lương Bằng (Báo Hải quan)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trong khi khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn kém. Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn TS.Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa (thuộc Hiệp hội DNNVV).

 "Vốn ít luôn tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp"
TS.Phạm Thế Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa

DNNVV Việt Nam chiếm tới 97% số DN cả nước. Ông đánh giá thế nào về vai trò của các DNNVV của Việt Nam trong sự phát triển của kinh tế đất nước, thưa ông?

DNNVV mới hình thành trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự phát triển nhanh và mạnh của họ trong thời gian qua. Các DN hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực. Ưu điểm của họ là rất dễ tổ chức, quyết định đầu tư nhanh chóng, không qua thủ tục rườm rà...

Gần đây, số lượng và chất lượng DNNVV phát triển rất nhanh và đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước. Ví dụ khối DN này đóng góp vào khoảng 40% GDP, tạo việc làm cho 50-60% lao động cả nước, nhất là lao động nằm ở nông thôn, vùng hẻo lánh, chưa qua đào tạo.

Thế nhưng DNNVV phải đối mặt với muôn vàn khó khăn cả về vốn, công nghệ, quản lí, máy móc, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Khả năng cạnh tranh so với các DN lớn trong nước cũng như DN nước ngoài còn yếu. Hiện nay các DN đang tìm cách mở rộng sang nhiều thị trường nhưng vào được thị trường lớn có tính chất lâu dài, bền vững còn khó khăn, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Việc hướng dẫn, tổ chức cho các DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất hàng phụ trợ (ngành công nghiệp phụ trợ) có thể là ý tưởng phù hợp, tạo ra nhiều việc làm mới trong điều kiện hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và quốc tế.

Phải chăng vì vốn ít nên trong bối cảnh dòng vốn khan hiếm như hiện nay, các DNNVV lại thêm phần gánh nặng trong hoạt động sản xuất kinh doanh?

Vốn ít luôn tạo ra một gánh nặng cho DN. Nhưng có nhiều vấn đề mà tiền cũng không thể giải quyết được. Sự năng động, sáng tạo nhạy cảm, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới cũng góp phần tạo ra sự phát triển nhanh hơn cho DN.

Về vốn, giai đoạn vừa qua giữa DN và ngân hàng chưa gặp được nhau. DN chưa có cách tiếp xúc, thuyết trình, xây dựng dự án vay vốn theo bài bản, ngân hàng ngại cho vay tiền vì sợ gặp rủi ro. Có những dự án DN nhìn trước thấy cơ hội mang lại hiệu quả cao, nhưng Ngân hàng chưa nhìn thấy độ tin cậy nên không giải quyết cho DN vay vốn.

Để khắc phục tình trạng trên, Nhà nước đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, các buổi giao lưu giữa các DN và ngân hàng nhằm giúp họ gần gũi nhau hơn, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng  của DN, từ đó ngân hàng thấu hiểu, tạo ưu đãi, hỗ trợ, giảm bớt những thủ tục “không bắt buộc” cho DN.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, theo đánh giá của ông, điều DNNVV cần hỗ trợ nhất hiện nay là gì?

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho DNNVV trong giai đoạn đầu hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế, trong đó hỗ trợ về đất đai, nhà xưởng, vốn, tiếp xúc ngân hàng, ưu đãi tín dụng... Chính sách nhiều nhưng khả năng tiếp thu của DN còn ít vì khả năng nắm bắt thông tin về cơ chế chính sách mới của các DN còn rất chậm, đặc biệt các DN ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy việc tăng cường công tác tư vấn và cung cấp thông tin cho DN là rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Để làm được điều này đòi hỏi DN cũng phải tự phấn đấu, tự tạo ra các kênh liên lạc riêng để quan hệ với những nơi cung cấp thông tin cũng như nắm bắt chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên sự hỗ trợ từ cơ quan quản lí là rất quan trọng.

Nhà nước cần tạo ra mạng lưới các cơ quan cung cấp dịch vụ tư vấn, cơ sở dữ liệu thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và mở nhiều khóa đào tạo để giúp DN nâng cao phương pháp tiếp nhận, truyền tải thông tin liên hoàn “trên-dưới-ngang-dọc” để họ dễ dàng quan hệ, cung cấp, trao đổi thông tin lẫn nhau.

Xin cảm ơn ông!