Vốn ngoại cạnh tranh vốn nội

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng ngoại mở rộng phạm vi hoạt động để phục vụ những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Vốn ngoại cạnh tranh vốn nội
Các ngân hàng khác như HongLeOng Bank, HSBC, Indochina Bank, First Commonwealth Bank... đều đã có văn phòng và chi nhánh tại Việt Nam và dự kiến sẽ mở rộng thêm trong năm 2015. Nguồn: internet

Đón đầu dòng chảy FDI

Trong làn sóng FDI, Việt Nam cũng đang đón một dòng vốn lớn từ các ngân hàng ngoại mở rộng thêm quy mô hoạt động. Ngày 21/10 vừa qua, NHNN đã có văn bản chấp thuận Shinhan Bank Việt Nam đủ điều kiện thành lập thêm 3 chi nhánh (CN) và một phòng giao dịch (PGD).

Shinhan Bank bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993, đến tháng 12/2008 ngân hàng được cấp phép thành lập ngân hàng100% vốn đầu tư nước ngoài. Shinhan Bank hiện có vốn đăng ký 4.547,1 tỷ đồng. Đến nay, Shinhan Bank có 9 CN, PGD tại Việt Nam. Trước đó, NH Công nghiệp Hàn Quốc – Industrial Bank of Korea cũng đã được mở thêm CN tại Hà Nội với vốn điều lệ 50 triệu USD, là CN thứ hai của NH này.

Xu hướng mở thêm chi nhánh cũng được nhiều ngân hàng ngoại khác tại Việt Nam triển khai, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các khách hàng là những DN FDI đang hoạt động đầu tư tại đây. Chẳng hạn, Taipei Fubon – một ngân hàng thuộc Tập đoàn tài chính Fubon (Đài Loan) cho biết đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện để cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng tại địa phương và các DN FDI Đài Loan.

Trong báo cáo tài chính quý III vừa qua, Bangkok Bank tại Việt Nam ghi nhận, 8 tháng đầu năm 2014, dư nợ cho vay của ngân hàng này tại Việt Nam tăng 10% so với cuối năm 2013. Trong đó, các khoản vay của khối FDI chiếm 90% lượng tín dụng vay mới của ngân hàng này và kế hoạch của Bangkok Bank khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng nguồn lực để cấp tín dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Các ngân hàng khác như HongLeOng Bank, HSBC, Indochina Bank, First Commonwealth Bank... đều đã có văn phòng và chi nhánh tại Việt Nam và dự kiến sẽ mở rộng thêm trong năm 2015.

Theo ông Heo Young Taeg, Tổng giám đốc Shinhan Bank, việc mở rộng mạng lưới các CN, văn phòng đại diện ở Việt Nam nằm trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng nhằm tăng sự hiện diện, tăng tính cạnh tranh và phục vụ khách hàng là các DN FDI ở nước sở tại tốt hơn.

Hơn nữa, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu về giá trị vốn FDI tại Việt Nam khi trong tháng 10/2014 Hàn Quốc đã đầu tư 415 dự án mới và có 129 dự án tăng vốn với tổng tổng vốn đầu tư mới và tăng vốn 3,6 tỷ USD và trong tháng 11/2014 có thêm 3 tỷ USD để xây Nhà máy mới tại Thái Nguyên. Vậy nên, không tính các văn phòng đại diện hiện có, riêng 6 CN của các ngân hàng Hàn Quốc tại Việt Nam đã có quy mô vốn điều lệ lên tới 402 triệu USD.

Thực tế, việc mở rộng thị trường là xu hướng tất yếu của các ngân hàng ngoại, nhằm tăng tiện lợi trong thanh toán, dịch vụ cho khách hàng và DN FDI đang đầu tư ở các thị trường này. Đồng thời, hoạt động này giúp NH có năng lực thực sự tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, khách hàng, phân tán rủi ro, chia sẻ kinh nghiệm quản trị DN, quản lý rủi ro…

Áp lực cạnh tranh lớn

Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, sự xâm nhập sâu của khối ngân hàng ngoại không quá lo, bởi mỗi NH đều có chiến lược riêng trong việc tiếp cận DN FDI và chính bản thân ngân hàng ngoại cũng có những bất lợi so với khối NH nội.

“Trước đây, các ngân hàng ngoại rất quan tâm đầu tư vào ngành cà phê, nhưng khi thị trường cà phê có rủi ro cao thì họ lập tức ngưng hạn mức cho vay và rút khỏi khu vực này. Sau khi thị trường ổn định, các DN nội bắt đầu thận trọng hơn khi làm việc với ngân hàng ngoại bởi họ nhận ra không phải chi phí vay vốn rẻ là quyết định mà điều DN cần là khi khó khăn ngân hàng vẫn đồng hành, chia sẻ với họ.

Bây giờ, nhiều ngân hàng bỏ đi trước đây quay lại nhưng các DN lại không muốn hợp tác. Đó được xem là kinh nghiệm để các ngân hàng trong nước tiếp cận với các DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tạo ra mối quan hệ lâu dài bền vững”, vị lãnh đạo trên nói.

Cùng quan điểm, ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, ngân hàng này đang có nhiều phương thức tín dụng mới để khai thác sâu hơn với các đối tượng khách hàng là DN FDI. Trong đó nổi bật là chính sách, phối hợp cùng với đối tác Nhật Bản, cho vay tín chấp với mức cho vay tương đương với vốn chủ sở hữu của DN dựa trên bảo lãnh của công ty mẹ hay chương trình 500 tỷ đồng cho vay nhanh tín chấp vốn trung hạn 18 tháng…

Tuy vậy, hầu hết các ngân hàng nội hiện mới chỉ dừng lại ở những sản phẩm dịch vụ bề nổi nên khả năng cạnh tranh với các NH ngoại không dễ dàng. Bên cạnh đó, việc phát triển khách hàng khu vực FDI đang diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các TCTD trong nước và các CN ngân hàng nước ngoài.

Theo thống kê của NHNN, hiện có hơn 40 CN ngân hàng nước ngoài, 5 NH liên doanh và 5 NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. So với thời điểm cuối năm 2013, tổng tài sản của nhóm ngân hàng này giảm 1,41%, hiệu quả hoạt động cũng không cao, song tiềm lực của khối NH ngoại vẫn rất lớn, đặc biệt là vốn tự có.

Điểm quan trọng là sau khi NHNN đã chỉ đạo các NHTM chủ động cơ cấu, gia hạn nợ, giảm lãi kể cả khoanh nợ cho DN FDI, đồng thời gia tăng hạn mức tín dụng nếu DN có nhu cầu tăng vốn… nhiều ngân hàng trong nước tích cực đẩy mạnh tín dụng nhưng hiện các DN FDI mới chỉ sử dụng nhiều ở các dịch vụ ngân hàng như chi trả lương, rút tiền, chuyển tiền mà có rất ít quan hệ vay mượn...

Theo một lãnh đạo VietinBank, ngân hàng này đang cố đẩy mạnh doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đối với các khách hàng FDI. Mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho các DN FDI như tiền gửi, tài khoản thanh toán, giao dịch mua bán ngoại tệ, chuyển tiền nội địa, trả lương qua tài khoản, phát hành thẻ ATM, thẻ tín dụng, vay tiêu dùng…Tuy nhiên, tỷ trọng về số lượng khách hàng và dư nợ của các khách hàng FDI vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu khách hàng và tổng dư nợ của VietinBank.

Điểm khó đối với một số ngân hàng nội địa trong việc tiếp cận DN FDI đó là chưa có đủ nghiệp vụ đáp ứng như cầu cho khối DN ngoại. Ví dụ, DN FDI cũng có nhu cầu vay vốn ngân hàng trong nước, song họ cần thêm nghiệp vụ chuyển tiền về nước thì ngân hàng nội chưa có cơ chế thực hiện. Trong khi đó, các DN FDI lại cần những dịch vụ trọn gói... “Đó là một trong những lợi thế ngân hàng ngoại và cũng là áp lực đối với ngân hàng nội thời điểm này", một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.