Vốn ngoại muốn lấn sâu vào ngân hàng

Theo baocongthuong.com.vn

(Tài chính) Không chỉ muốn mua nợ xấu từ các ngân hàng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn muốn góp vốn vào các tổ chức tín dụng (TCTD). Vì thế, tái cơ cấu ngân hàng thông qua việc nâng cao tỷ lệ sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài đang là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế đề cập.

Vốn ngoại muốn lấn sâu vào ngân hàng
Không chỉ muốn mua nợ xấu từ các ngân hàng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn muốn góp vốn vào các tổ chức tín dụng. Nguồn: internet
Nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nợ xấu

Đến đầu tháng 10/2013, đã có 8/9 TCTD được thực hiện tái cơ cấu bằng hình thức sáp nhập và hợp nhất. Mức độ thành công của quá trình này chưa thể hiện rõ nét nhưng phần nào đã đạt được một số tiêu chí như loại bỏ được ngân hàng yếu kém, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động các TCTD. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, hoạt động tái cơ cấu ngân hàng trong thời gian tới cần đánh giá chính xác hiệu quả cũng như kết quả đạt được của việc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại (NHTM) để rút kinh nghiệm và tiếp tục các bước tiếp theo. “Ngoài ra, từ nay tới năm 2015 cũng cần xác định thêm các TCTD có thể phải cơ cấu lại vì không phải toàn bộ NHTM cổ phần yếu kém đã được “giải quyết” triệt để, chắc chắn thời gian tới trong quá trình hoạt đông sẽ có thêm ngân hàng bộc lộ hạn chê”- ông Ánh bày tỏ.

Cùng với sáp nhập và hợp nhất, xử lý nợ xấu là vấn đề then chốt trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Với sự “cầm trịch” của Công ty Quản lý tài sản và xử lý nợ (VAMC), dự kiến trong năm nay sẽ có khoảng 35.000 tỷ đồng nợ xấu được “dọn dẹp”. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Ban cố vấn của Chính phủ lại lạc quan hơn khi cho rằng nếu không lo ngại về lạm phát thì VAMC có thể mua được 50.000-60.000 tỷ đồng nợ xấu. Đặc biệt, “các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới các món nợ xấu tại Việt Nam, thậm chí “xếp hàng” để chờ mua nợ”- ông Nghĩa cho biết. Đồng quan điểm này, theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch hội đồng thành viên VAMC, rất nhiều tổ chức quốc tế muốn mua tài sản đảm bảo hoặc thông qua VAMC mua tài sản đảm bảo của các ngân hàng.

Cần tính kỹ việc nới “room” ngoại

Nghị định 69/2007/NĐ-CP quy định việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của NHTM Việt Nam có tổng tỷ lệ sở hữu là 30%. Dự thảo về vấn đề này, do Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến, thì đối tác chiến lược được sở hữu không quá 20% vốn điều lệ và tổng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng cũng không vượt quá 30%. Riêng với các ngân hàng yếu kém nằm trong diện cần tái cấu trúc, tỷ lệ sở hữu này có thể vượt quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể do Thủ tướng quyết định.

TS. Phạm Thị Thu Hà - Viện Ngân hàng tài chính -  Đại học Kinh tế quốc dân:

Cơ sở pháp lý để nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu chưa rõ ràng. Nếu nhà nước ban hành khung pháp lý về vấn đề này thì các ngân hàng cũng bán được nợ mà không cần phải qua VAMC.

TS. Nguyễn Đình Ánh nhận xét: Nguồn vốn từ nước ngoài là rất quan trọng, việc nới “room” là cần thiết, nhưng sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở mức độ nào thì phải cần cân nhắc. Vị chuyên gia này phân tích: Đối với một số trường hợp ngân hàng nhỏ và yếu thì có thể xem xét ở mức 49% hoặc tới 100%, tức là bán ngân hàng cho nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, không nên giới hạn room chung cho các nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng quá cao trong bối cảnh chúng ta phải giữ chủ quyền, khả năng can thiệp thực thi chính sách tiền tệ thông qua NHTM. “Điều này sẽ không đơn giản nếu nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng quá lớn và NHTM cổ phần lớn thông qua đó chi phối cả hệ thống tài chính. Cần hết sức thận trọng để tránh rủi ro”- ông Ánh đề xuất.