VTV và SCIC “rút” khỏi dự án tháp Truyền hình cao nhất thế giới

Theo Trí Dũng/kinhtevadubao.vn

Đài Truyền hình Việt Nam trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đó là nội dung chính kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.

Đài Truyền hình Việt Nam trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án Tháp Truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.

Nhớ lại đầu tháng 03/2015, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý cho phép VTV và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam.

Công trình dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây. Trước đó, dự án này từng được nhắc tới khi Hà Nội tiến hành quy hoạch 4 khu đô thị mới năm 2002 và được Thủ tướng chấp thuận theo đề nghị của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vào cuối năm 2014.

Theo đó, dự án tháp truyền hình Việt Nam được đánh giá có quy mô tầm cỡ, tính chất đặc thù và thuộc loại cao nhất trên thế giới, nên trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện đầu tư, cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng quyết định về vốn, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu. Dự án cũng được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.

Theo đó dự án có tổng mức đầu tư hơn 600 triệu USD, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác.

Khi hoàn thành, tháp truyền hình của Việt Nam xây dựng tại Hà Nội sẽ có chiều cao 636 mét, cao hơn 2 mét so với tháp truyền hình đang giữ kỷ lục cao nhất thế giới hiện nay là Tokyo Sky Tree.

Dự kiến, tháp truyền hình Việt Nam sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.

Thế nhưng, tháng 7/2017, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án.

Trước đó, từ cuối tháng 5/2017, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã có công văn đề nghị thoái toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty CP Tháp truyền hình Việt Nam. Lý do VTV đưa ra là hiện cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.

VTV cũng cho biết Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã có chủ trương đưa Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam vào danh mục điều chỉnh triển khai thoái vốn (rút 100% vốn khỏi công ty) do dự án không nằm trong danh mục hiện hữu mà Nhà nước cần chi phối hoặc đầu tư góp vốn trong định hướng phát triển của SCIC.