Xây dựng thương hiệu chè Việt đẩy mạnh xuất khẩu

Theo infotv.vn

Thiếu thương hiệu đang khiến cho ngành chè cũng như nhiều ngành nông sản của Việt Nam phải trả giá cho việc nhiều năm chỉ xuất khẩu thô. Trong khi các nước khác dù tiềm năng về cây chè ít hơn song nhờ việc tập trung nghiên cứu phát triển thương hiệu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến đã giúp thu về lợi nhuận gấp nhiều lần Việt nam. Do vậy việc xây dựng thương hiệu cho cây chè đang trở thành việc làm cần thiết không chỉ cho các doanh nghiệp sản xuất - chế biến chè mà còn cho cả ngành chè Việt nam.

 Xây dựng thương hiệu chè Việt đẩy mạnh xuất khẩu
Chè Việt Nam cần một chiến lược quốc gia nhằm quảng bá thương hiệu trên thị trường. Nguồn: Internet
Vẫn biết có thương hiệu sẽ giúp cho sản phẩm chè Việt có chỗ đứng trên thị trường và đến gần hơn với người tiêu dùng thế giới. Nhưng để làm được việc này điều đầu tiên các doanh nghiệp chế biến cần phải có một sản phẩm chè chát lượng tốt và nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời bản thân các doanh nghiệp phải thay đổi được nhận thức cũng như thói quen canh tác của người trồng chè. Từ đó mới có thể nâng cao được chất lượng cho mỗi sản phẩm chè. Việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ ở mỗi doanh nghiệp đơn lẻ mà phải có chiến lược được nghiên cứu kỹ của cả ngành chè Việt Nam.

Bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình cho biết: "Sản phẩm chè của chúng tôi dựa vào chất lượng vốn có để xây dựng nên thương hiệu. Và muốn làm như vậy phải lựa chọn vùng nguyên liệu trước tiên. Ngay từ những ngày đầu chúng tôi đã xây dựng nên những mô hình hộ nông dân kết hợp với nhà máy để đưa cái sản phẩm nông nghiệp thành hàng hoá thương mại với một chất lượng tốt nhất. Chúng tôi đã mời các hộ nông dân đến, hướng dẫn trồng, chăm sóc theo quy trình.Thực tế hiện nay, thị trường chè thế giới rất đa dạng về khẩu vị trong việc thưởng thức chè. Do đó, bên cạnh việc cải tiến quy trình sản xuất đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì các doanh nghiệp chè cũng cần phải nghiên cứu kỹ thị trường để chế biến ra nhiều loại sản phẩm chè phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Có như vậy, thương hiệu chè Việt mới có thể được đông đảo người tiêu dùng biết đến".

Bà Lý chia sẻ, ngoài việc nâng cao chất lượng nguyên liệu chế biến, Công ty này cũng đã quan tâm nhiều đến việc thiết kế những bao bì mẫu mã đẹp, và sản xuất ra rất nhiều loại chè, kết hợp với đó là việc quảng bá marketing cho sản phẩm. Đến nay sản phẩm thành phẩm của Tân Cương Hoàng Bình đã có mặt ở rất nhiều thị trường như Anh, Pháp, Mỹ…Song song với việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm chè, chè Việt Nam cũng cần một chiến lược quốc gia nhằm quảng bá thương hiệu của mình trên thị trường. Thông qua các lễ hội, tuần văn hoá hay hội chợ quốc tế để giới thiệu sản phẩm chè Việt tới nhiều người tiêu dùng.

Trao đổi với ông Phạm Duy Đông, Vụ phó vụ Châu mỹ La tinh (Bộ Công Thương), ông cho biết, Hiệp hội chè Việt Nam đã đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 sẽ tăng khối lượng xuất khẩu chè lên 50% sang thị trường châu Âu, một thị trường khó tinh nhưng cho giá trị xuất khẩu lớn. Nhưng để đạt được mục tiêu này thì ngành chè cần phải tiến hành nhiều biện pháp tổng thể đẻ giải quyết những tồn tại hiện nay, đặc biệt là trong khâu xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chè Việt Nam.