Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp từ đâu?

Theo Tuấn Kiệt/daibieunhandan.vn

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thương hiệu Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới thì việc hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng hình ảnh chung cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đó là hết sức cần thiết.

Xây dựng thương hiệu là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp thời kỳ mới. Nguồn: Internet
Xây dựng thương hiệu là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp thời kỳ mới. Nguồn: Internet

Chìa khóa phát triển

Sau nhiều năm tạo dựng được thương hiệu tại TP. Hồ Chí Minh, mới đây Napoli Coffee tiến ra Hà Nội bằng một quán mới tại quận Hà Đông. Ông chủ của Napoli Coffee Nguyễn Đức Hưng cho biết, Việt Nam vốn là mảnh đất của cà phê ngon, tuy nhiên chỉ vì lợi nhuận trước mắt, nhiều doanh nghiệp đã trộn  cà phê với một số bột nguyên liệu khác, làm mất đi hương vị đặc thù của cà phê.

Từ khi có mặt trên thị trường, Napoli Coffee kiên định mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng những ly cà phê nguyên chất. Điều này đã giúp Napoli Coffee tạo dựng được giá trị thương hiệu của mình.

Một ví dụ khác là dây chuyền sản xuất gia cầm sạch của Công ty TNHH Sanhafoods. Nhiều năm qua, công ty luôn ứng dụng công nghệ mới để sản xuất những sản phẩm sạch và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, thân thiện với môi trường.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sanhafoods Phạm Thị Ngọc Hà, thứ khách hàng cần thì bao giờ cũng được giá, còn những thứ khách hàng không cần thì không có giá. Do đó, Sanhafoods luôn giữ vững phương châm đi lên bằng chất lượng, nhờ vậy đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp được người tiêu dùng ưa chuộng. Để tồn tại và phát triển, triết lý của họ là thương hiệu phải có giá trị hay giá trị của thương hiệu là chìa khóa cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, mới thành lập hay đã hoạt động lâu năm thì cốt lõi đưa đến giá trị vẫn phải là xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể là áp lực cạnh tranh lớn; người tiêu dùng không hoặc ít để ý tới sản phẩm; nguồn vốn hạn hẹp, khó tiếp cận và không đáp ứng được điều kiện vay vốn từ các ngân hàng; quảng bá truyền thông và giới thiệu sản phẩm, mạng lưới kinh doanh công tác quản trị doanh nghiệp còn yếu…

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hiện nay hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tồn tại không ít hạn chế như thiếu vốn, trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn kém… nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, kéo theo việc xây dựng thương hiệu cũng ít được quan tâm.

Đó là chưa kể tới tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi làm khó người tiêu dùng và làm đau đầu doanh nghiệp.

Hợp tác xây dựng thương hiệu

Những năm gần đây, doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng các chiến lược kinh doanh, khởi đầu là xây dựng thương hiệu hướng tới mục tiêu là tạo giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp, từ đó góp phần cho doanh nghiệp hoạt động bài bản.

Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến Nguyễn Trí Kiên chia sẻ: Sau khi có chiến lược xây dựng thương hiệu tương đối dài hơi và bài bản, chúng tôi tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt để phục vụ khách hàng.

Đồng thời, không ngừng quảng bá bằng nhiều kênh và mở rộng cửa hàng bán lẻ và kênh phân phối để người tiêu dùng tiếp cận được với sản phẩm nhiều hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xây dựng một thương hiệu hoàn toàn không chỉ là việc đặt một cái tên, xây dựng cái tên đó mà là tổng hợp một loạt hoạt động để tạo ra được một hình ảnh hoàn chỉnh và khác biệt về sản phẩm.

Trong bối cảnh thương hiệu Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới, thì việc hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một hình ảnh chung cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đó là hết sức cần thiết.

Cách làm này tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả cao hơn so với việc xây dựng chỗ đứng trên thị trường cho từng thương hiệu nhỏ lẻ. Theo đó, Nhà nước cần có chương trình tổng thể tầm quốc gia nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, bảo vệ, quảng bá và phát triển thương hiệu.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ như khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký thương hiệu nhanh chóng; hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo xây dựng thương hiệu…

Về phía doanh nghiệp, để xây dựng thương hiệu bền vững và bảo vệ được thương hiệu, cần cập nhật thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng, chính sách pháp luật liên quan, vừa phải kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, hệ thống bán lẻ để có được sự hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh.