Xây dựng và bảo vệ thương hiệu: Cần chiến lược và bài bản

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Xây dựng thương hiệu không còn là chuyện mới mẻ với doanh nghiệp Việt nhưng họ vẫn gặp nhiều khó khăn trên hành trình này.

Xây dựng thương hiệu không chỉ là quảng bá mà chất lượng sản phẩm phải đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Nguồn: Internet
Xây dựng thương hiệu không chỉ là quảng bá mà chất lượng sản phẩm phải đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Nguồn: Internet

Thiếu cả năng lực và kinh nghiệm

Thời gian gần đây, trên thị trường diễn ra nhiều chiến dịch, chiến lược truyền thông đem lại hiệu quả đáng kể cho doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ý kiến của Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, về cơ bản hầu hết doanh nghiệp còn thiếu năng lực và kinh nghiệm sử dụng thương hiệu như một công cụ kinh doanh đúng nghĩa, thậm chí nhận thức chưa thực sự đầy đủ vai trò quan trọng của thương hiệu.

Điều này cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng trên thị trường nội địa khi cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia khác.

Xét về phạm vi toàn cầu, Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam Lại Tiến Mạnh cho rằng, nền kinh tế nước ta vẫn còn rất nhỏ bé so với thế giới. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa đủ kinh nghiệm để so sánh với các tập đoàn có tiếng hàng trăm năm.

Với kinh nghiệm và nền tảng đó, doanh nghiệp nước ngoài đã có hệ thống kinh doanh rộng khắp toàn cầu, đây là lợi thế lớn giúp họ trở thành những tập đoàn lớn, những thương hiệu toàn cầu thực sự. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đang đi những bước đầu tiên trong công cuộc khai phá thị trường nước ngoài và cần khá nhiều thời gian mới đủ khả năng vươn ra toàn cầu.

Với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, niềm tin của khách hàng thực sự rất quan trọng. Đây là tài sản lớn, giống như một nguồn vốn của xã hội, niềm tin càng cao, nguồn vốn xã hội càng lớn sẽ góp phần cho doanh nghiệp ngày càng bền vững.

Là một trong TOP50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Brand Finance xếp hạng, Giám đốc Quan hệ đối ngoại Công ty PNJ Huỳnh Văn Tẩn cho biết, ngay từ đầu đã xác định rằng thương hiệu tuy là tài sản vô hình nhưng quý giá nhất của một công ty. Vấn đề cốt yếu trong xây dựng thương hiệu chính là quản trị thương hiệu.

Đại diện PNJ nhấn mạnh xây dựng thương hiệu thực sự đi vào lòng khách hàng trên nền tảng thực chất của doanh nghiệp vô cùng cần thiết. Trước đây khi truyền thông và mạng xã hội chưa phát triển, doanh nghiệp có thể mất nhiều chi phí làm thương hiệu và xây dựng thương hiệu.

Ngày nay với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ thông tin, doanh nghiệp không cần tốn quá nhiều chi phí, chỉ cần làm đúng luật, biết khai thác và tận dụng công nghệ sẽ xây dựng được niềm tin và thương hiệu đi vào lòng khách hàng.

Tính chuyện bảo vệ thương hiệu

Là nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều nông sản được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga nhận định, điểm khó trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản hiện nay nằm ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa đặc sản. Nhiều doanh nghiệp do chính nông dân đứng ra tổ chức nên còn manh mún và thiếu vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BigC Thăng Long Nguyễn Thái Dũng cho rằng việc xây dựng thương hiệu nông sản nếu chỉ do từng hộ dân, từng hộ trang trại làm sẽ không hiệu quả bằng việc các cơ quan xúc tiến thương mại và doanh nghiệp cùng vào cuộc. Bản thân doanh nghiệp trong nước cũng cần phải lớn lên, tự mình thay đổi, ứng dụng công nghệ mới, làm ăn chân chính, không gian lận thương mại.

Trước thực tế các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội rất lớn để vươn ra thị trường nước ngoài với mức thuế ưu đãi, Cục Xúc tiến thương mại cho rằng doanh nghiệp phải chú trọng mảng thương hiệu, không chỉ là chuyện quảng bá mà ẩn sâu bên trong chính là uy tín và chất lượng sản phẩm phải đáp ứng chuẩn mực quốc tế.

Khi xây dựng thương hiệu cũng cần tính đến việc bảo vệ và duy trì được thương hiệu trong tương lai. Giám đốc Mibrand Lại Tiến Mạnh gợi ý doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường cũng như các quy định pháp lý ở nước sở tại và đăng ký sở hữu trí tuệ càng sớm càng tốt để bảo vệ bản quyền thương hiệu. Ngoài ra, cần truyền thông quảng bá sâu rộng để bảo vệ danh tiếng thương hiệu của mình.